Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác hãy yên tâm về sự phát triển của địa phương để đầu tư lâu dài và có kế hoạch phát triển bền vững tại Long An.
Trao đổi với DĐDN, ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho biết, tỉnh Long An tiếp tục khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, phát huy vai trò liên kết vùng, nâng cấp hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
- Thưa ông, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, Long An đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vậy đâu là điểm nhấn trong hoạt động này?
Long An đã xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án, phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục nhanh, gọn.
Đặc biệt, Long An đã tập trung triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), nhằm đánh giá một cách có hệ thống về tính sáng tạo, chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện có tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.600 mẫu với các nội dung gồm: quy trình thực hiện thủ tục hành chính; tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong; hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hiệu lực thiết chế và tiếp cận đất đai. DDCI Long An là một bước đi mạnh mẽ trong cải cách, thể hiện quyết tâm cao của Long An trong minh bạch thông tin, xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền đối với doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp.
Có thể nói, DDCI Long An là tấm gương phản chiếu trung thực nhất giúp tỉnh có những sách lược tốt hơn trong cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số PCI của Long An trong những năm tiếp theo.
- Cạnh tranh bình đẳng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi đến với Long An để đầu tư lâu dài và có kế hoạch phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Trong DDCI Long An, cạnh tranh bình đẳng là chỉ số thành phần đề cập đến sự công bằng giữa các cơ sở kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi gia nhập thị trường, khi tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực cần thiết cho quá trình sản xuất kinh doanh, khi tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ. Cạnh tranh bình đẳng trong phạm vi khảo sát DDCI đưa ra được hiểu là không có sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng kinh doanh với nhau theo hình thức sở hữu, theo quy mô của cơ sở sản xuất kinh doanh hay theo mức độ thân hữu với cơ quan chính quyền.
Trong thời gian qua Long An đã luôn sáng tạo, đổi mới cách thức quản lý theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, bình đẳng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực. Các sở ngành, địa phương đã công bố, công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; đặc biệt, các quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, điều kiện kinh doanh đặc biệt…nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Long An cũng duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ hàng tháng, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các hội, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; công bố, công khai các quy hoạch, các dự án đầu tư lớn để doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân nắm thông tin.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác hãy yên tâm về sự phát triển của địa phương để đầu tư lâu dài và có kế hoạch phát triển bền vững tại Long An.
- Vậy đâu là những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Long An trong thời gian tới, thưa ông?
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư. Định hướng trong thời gian tới Long An ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như:
- Lĩnh vực công nghiệp: ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo: sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp bán dẫn, chế biến nông sản; công nghiệp dược và thiết bị y tế, công nghệ sinh học; năng lượng tái tạo; xử lý chất thải và các giải pháp về môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Lĩnh vực nông nghiệp: tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị gắn hoạt động sản xuất và tiêu thụ; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái.
- Phát triển các khu phức hợp đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng và sân golf đẳng cấp quốc tế.
- Dịch vụ hàng hải, cảng biển, logistics, tài chính, xuất nhập khẩu.
- Hợp tác đầu tư Trung tâm đào tạo lao động.
Với những định hướng thu hút đầu tư, cùng với tận dụng hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm trên, kỳ vọng rằng trong thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục duy trì vị trí TOP đầu về thu hút đầu tư của cả nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa Long An phát triển nhanh và bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Long An là một trong những địa phương trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư và đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút FDI. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.210 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 300.377 tỷ đồng; 1.276 dự án FDI với số vốn 11.113,2 triệu USD, trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 4.213 triệu USD. Toàn tỉnh có trên 17.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 375.870 tỉ đồng và có hơn 78.500 hộ kinh doanh cá thể. |
Có thể bạn quan tâm