Mục tiêu của báo chí không chỉ là cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trao đổi với DĐDN, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (TP HCM) đánh giá, nhiều tờ báo, nhà báo luôn sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế theo dõi, phân tích tình hình kinh tế để kịp thời đưa ra những dự báo, giúp các doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn.
- Dưới góc nhìn của ông, doanh nghiệp và báo chí đã có sự kết nối bền vững hay chưa?
Đã có không ít những hoài nghi, băn khoăn trăn trở về cái gọi là sự “lợi dụng lẫn nhau”, khi doanh nghiệp “lợi dụng” báo chí để được PR ca tụng, làm lá chắn che đỡ trước những luồng thông tin bất lợi, còn báo chí thì bị cho là “dựa hơi” vào doanh nghiệp, coi đó là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác, để tận dụng, lúc vừa lòng thì hết lời ca ngợi, lúc phật ý hoặc khi được chăm sóc “không đủ đô” thì quay sang sách nhiễu, làm khó, thậm chí “đánh hội đồng”.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 21/06/2019
09:33, 21/06/2019
09:32, 21/06/2019
14:16, 20/06/2019
20:09, 19/06/2019
Nhưng phải khẳng định rằng, nhìn một cách xuyên suốt, toàn diện lại mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, mới thấy những “vấn nạn” ấy vẫn chỉ là thiểu số, thứ yếu. Báo chí và doanh nghiệp Việt vẫn đến nhau với tâm thế đồng hành, tương sinh, tương hỗ lẫn nhau, cùng tồn tại và phát triển. Trong nhiều trường hợp, báo chí chí còn “cứu nguy” cho doanh nghiệp, “gỡ thế khó” và lấy lại hình ảnh cho doanh nghiệp vốn đôi khi vì lý do nào đó bị sai lệch trong mắt người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, báo chí giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
- Theo ông, doanh nghiệp có thể kỳ vọng gì ở báo chí, trong giai đoạn hiện nay?
Trong thời đại công nghiệp số hiện nay, báo chí đã có bước đi khá mạnh mẽ, có sự hoàn thiện và nâng mình lên trong điều kiện mới. Do đó về phía doanh nghiệp nên chủ động gắn kết, trao đổi với báo chí một cách cởi mở hơn để tạo thêm cầu nối trong tiếp cận, gặp gỡ, trao đổi với bên thứ ba như các nhà quản lý, người tiêu dùng… qua đó góp phần tạo nên thương hiệu cho bản thân doanh nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước.
- Vậy còn những những phản hồi chính sách từ báo chí đến doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng cần có một thông tin chính xác và đầy đủ để hoạch định một chiến lược, chính sách kinh doanh đúng. Thông tin báo chí phản ánh hoạt động chung, trong đó có doanh nghiệp là rất cần thiết và quý giá. Ví dụ, trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhiều đại biểu có nêu ra câu chuyện du lịch 0 đồng, qua thông tin báo chí phân tích làm rõ những vấn đề sai luật hay trá hình. Thông tin từ báo chí về vấn đề này đã làm xã hội hiểu rõ hơn, góp phần ngăn chặn những biểu hiện xấu, những yếu tố trục lợi làm xấu đi hình ảnh quốc gia, đưa ngành du lịch đi chệch hướng và suy yếu.
- Theo ông, cần làm gì để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trở nên tốt đẹp hơn?
Để có sự gắn kết trong mối quan hệ này, hiệp hội doanh nghiệp nên có sự chủ động và lên chương trình định kỳ, hoặc trước những vấn đề mang tính xã hội rộng thì nên có sự gắn kết ngay với báo chí. Mối liên hệ này vừa kịp thời đưa thông tin đến độc giả, đồng thời cũng thông tin cho xã hội, qua đó dẫn dắt vấn đề để mọi doanh nghiệp phải có thực hiện đúng pháp luật, lấy lợi ích chung cho toàn xã hội làm kim chỉ nam.
Mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu. Việt Nam đang trong công cuộc chấn hưng kinh tế và bước ra thế giới, không thể thiếu sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của hai lực lượng này. Báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở hơn nữa với nhau, tin cậy, tôn trọng nhau vì một lợi ích chung.
Xin cảm ơn ông!