Tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đại biểu đề nghị, nên để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và thị trường.
Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 25/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tham gia góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tán thành với Ban soạn thảo về việc bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
Về quảng cáo trên báo in, ngoài 2 ý kiến được đề xuất, đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.
Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.
Ngoài ra, liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phảm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo.
Đồng thời, cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo…
Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, tham gia góp ý, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Trong đó, tham gia góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, vị đại biểu này cho hay, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.
Còn theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, về quảng cáo trên báo in, tại Điều 21 của Luật Quảng cáo năm 2012, theo đó, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc lại việc điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. Bởi, tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.
Do đó, đại biểu đề xuất, diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23), đại biểu cho biết, Dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Điều này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng/tiếp cận thông tin.
Vì vậy, theo đại biểu, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo/độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này.