VCCI khẳng định trong số 25 điểm chồng chéo của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh thì có đến 14 điểm chồng chéo liên quan đến Luật Đầu tư.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện Báo cáo này VCCI đã nhận được 333 ý kiến từ hơn 40 hiệp hội, doanh nghiệp và hàng chục cơ quan địa phương khác nhau để phán ánh những vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Luật Đầu tư “chồng” Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật bảo vệ Môi trường, Luật Thương mại…
Trò chuyện với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết trong hệ thống pháp luật hiện tại, Luật Đầu tư được xem là “luật chung” trong pháp luật về đầu tư.
Theo đó, Luật này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư của dự án đầu tư và không có quy định theo hướng các luật khác có thể quy định thêm về hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư. Điều này được hiểu, hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư trong mọi dự án đầu tư của các lĩnh vực khác nhau (thuộc diện phải thực hiện thủ tục đầu tư) phải thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục tại Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, một số “luật chuyên ngành” khác lại yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đối với các loại dự án đầu tư mà theo quy định của Luật Đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.
Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn lấy ví dụ tại khoản 2 Điều 170 Luật Nhà ở quy định, đối với dự án xây dựng nhà ở thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ.
Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về các trường hợp và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư về nhà ở. Quy định này được hiểu là bất kỳ dự án xây dựng nhà ở nào cũng phải thực hiện thủ tục liên quan đến đầu tư trước khi triển khai dự án. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 30, 31, 32, 36 của Luật Đầu tư thì những dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 51% thì sẽ không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án đầu tư.
Từ những lập luận trên, ông Tuấn khẳng định giữa Luật Nhà ở và Luật Đầu tư đang chưa thống nhất về các thủ tục liên quan đến đầu tư của các dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư. Sự thiếu thống nhất trong quy định trên khiến cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư không xác định được phải áp dụng theo luật nào.
Trên thực tế đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư một lần; nhiều địa phương khác lại yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục hai lần theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Có thể thấy, việc thiếu thống nhất trong quy định về thủ tục chấp thuận đầu tư đối với dự án đầu tư về nhà ở khiến cho cơ quan thực thi lúng túng trong thực hiện và nhà đầu tư gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thật ra, đây chỉ là một trong số những ví dụ mà ông Tuấn dẫn chứng, bởi ngoài dẫn chứng này, Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh còn chỉ ra hàng loạt những chồng chéo khác liên quan đến Luật Đầu tư như: Sự chưa thống nhất về hồ sơ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở, chưa thống nhất về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Đầu tư, chồng lấn khi thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại Luật Đất đai và Luật Đầu tư, chưa thống nhất về thủ tục đánh giá tác động môi trường quy định tại Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường, chưa thống nhất về thời điểm và thời gian xác định nhu cầu sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai và Luật Đầu tư, chồng lấn về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đầu tư.
Qúa trình triển khai dự án kéo dài, cơ quan quản lý nhà nước lúng túng
Đánh giá về những tác động của những chồng chéo như trên, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định, sự thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật khiến cho quy trình triển khai dự án bị kéo dài, thậm chí là đình trệ, không thể triển khai, gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp, khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi.
Từ góc độ của các nhà quản lý, cũng nhận thấy rõ sự lúng túng của các cơ quan thực thi khi “gặp” phải những quy định chồng chéo này. Nếu thực hiện linh hoạt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì sẽ có nguy cơ trái luật, nhưng nếu thực hiện theo đúng quy định thì quy trình trở nên rất rắc rối, kéo dài và thậm chí không thể thực hiện được.
Có thể bạn quan tâm
14:20, 26/12/2019
05:20, 26/12/2019
15:00, 11/02/2020
Nhiều cơ quan thực thi cấp địa phương đang phải đối mặt với sức ép của việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên lại “bất lực” vì sự thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Do đó, để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, ông Tuấn khẳng định điều lý tưởng nhất là cần tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh để có cái nhìn tổng thể và cùng điều chỉnh những điểm còn mâu thuẫn.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần có rất nhiều thời gian và nhân lực.
Do đó, ông Tuấn cho rằng trước mắt, đối với những điểm mâu thuẫn trên, cần xác định một số nguyên tắc sau: Đối với hồ sơ, trình tự thủ tục về đầu tư, Luật Đầu tư cần thống nhất nguyên tắc, Luật Đầu tư sẽ quy định các tài liệu trong hồ sơ, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác không được yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ này đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của luật chuyên ngành đó.
Cùng với đó, đối với những thủ tục có sự chồng lấn về các bước thẩm định ở các thủ tục cấp phép khác nhau: Đối với những thủ tục đã được thực hiện trước đó thì không cần phải thực hiện lại ở các thủ tục sau (chẳng hạn: đối với những dự án đầu tư có đề xuất sử dụng đất thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất đã được thực hiện trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư thì sẽ không phải thực hiện lại trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất…).
Tóm lại, để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề nghị tiến hành rà soát tổng thể các luật có liên quan, trong đó xây dựng quy trình từ khi bắt đầu cho đến khi đưa hoạt động đầu tư vào hoạt động, ở mỗi giai đoạn cần xác định rõ do luật nào đang điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào, có sự chồng lấn và/hoặc chồng chéo giữa các luật không, để tiến hành sửa đổi.
“Và quan trọng là trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan có vai trò “gác cửa” cần kiểm soát tốt được yếu tố về tính thống nhất trong các quy định của luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.