Với nhiều điểm mới mang tính đột phá, Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều chuyển biến trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, quá trình đi vào thực tế hiện nay, bộ luật này đã và đang cho thấy không ít hạn chế, bất cập...
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và cộng sự với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Được ban hành vào tháng 6/2020 và chính thức có hiệu lực thi hành vào 01/01/2021 cùng với nhiều kỳ vọng, ông đánh giá như thế nào về Luật Doanh nghiệp 2020 hiện hành?
Khi mới ra đời, với nhiều điểm mới mang tính đột phá, Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều chuyển biến trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ sau 01 năm có hiệu lực thi hành, đến 01/2022, trong khuôn khổ 1 luật sửa 9 luật, Luật Doanh nghiệp 2020 đã phải sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản như: khoản 1 Điều 49; Điều 50, Điều 60; các điểm d khoản 1 Điều 109; khoản 1 và khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 158; khoản 5 Điều 217.
Những sửa đổi, bổ sung này dù được đánh giá cao tại thời điểm đó, nhưng vẫn chưa đủ để hết làm khó các nhà đầu tư, doanh nghiệp và ngăn chặn được các hệ lụy tiêu cực cho xã hội…
Cụ thể ở đây là những vấn đề gì, thưa ông?
Điều 7, Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “doanh nghiệp có các quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh”; Nghiêm cấm các hành vi “gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”;…
Đặc biệt, để hiện thực hóa việc tự do kinh doanh các ngành nghề hợp pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2003, luật tiếp tục giữ nguyên quy định Luật Doanh nghiệp 2014 không còn quy định về điều khoản liên quan đến vốn pháp định…
Sự thông thoáng này đã tạo ra những tác động tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên lại vô tình biến thành những kẽ hở để những đối tượng kinh doanh chụp giật, làm ăn gian dối, lừa đảo lạm dụng để trục lợi.
Và khi mà một số quy định thành lập doanh nghiệp chưa đủ rõ như: quy định đối tượng bị cấm thành lập, tham gia quản lý doanh nghiệp; yêu cầu sử dụng mã số cá nhân, tài khoản định danh điện tử khi đăng ký doanh nghiệp, trách nhiệm thông báo khi có thay đổi trong hồ sơ đăng ký… lại là nguyên nhân phát sinh thực trạng doanh nghiệp “ma” hàng loạt kiểu như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,…
Hay như quy định về thời gian góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận góp vốn, tại Điều 47, Điều 75 và Điều 112, mặc dù vẫn giữ nguyên quy định về thời hạn tối đa 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng Luật Doanh nghiệp 2020 có nới rộng hơn so với luật cũ là thời hạn đó không bao gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Về lý thuyết, quy định như vậy sẽ tháo được “nút thắt” về thủ tục hành chính nhưng khi triển khai thực hiện, các nhà đầu tư trở nên lúng túng vì khó xác định được khi nào mới hết khoảng thời gian để người góp vốn phải bắt đầu vận chuyển, nhập khẩu hay thực hiện thủ tục hành chính đó. Dẫn đến tạo ra kẽ hở để các thành viên góp vốn có ý đồ không tốt tận dụng để kéo dài thời hạn góp vốn bằng các chiêu trò như: đăng ký vốn góp bằng tiền thật nhỏ, góp bằng tài sản thật lớn,…
Ngoài các vấn đề đã nêu, liên quan đến quyền của cổ đông phổ thông (bao gồm cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty) tại điểm a khoản 2 Điều 115 cũng được xem là hạn chế, bất cập bởi cụm từ “bí mật thương mại” không đồng nhất với pháp luật chuyên ngành khi Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định về “bí mật kinh doanh”. Với cụm từ “bí mật thương mại”, thậm chí kể cả cụm từ “bí mật kinh doanh”, tiềm ẩn nguy cơ Hội đồng quản trị công ty, Ban kiểm soát công ty rất dễ lạm dụng để từ chối không cho cổ đông tiếp cận các thông tin mà cổ đông cần biết.
Để giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, về những bất cập trong quy định tại Điều 7, Điều 16 cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan về xử lý tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma”; cần có biện pháp ngăn ngừa tình trạng góp vốn khống, vốn ảo, đầu tư chui, đầu tư núp bóng, giả mạo hồ sơ, giấy tờ pháp lý thành lập doanh nghiệp mua, bán hóa đơn khống để trục lợi…
Đồng thời, giữ nguyên thời hạn góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận góp vốn theo quy định tại Điều 47, Điều 75 và Điều 112 nhưng có quy định rõ thời gian tối đa để vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra cần sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 bằng việc loại bỏ cụm từ “bí mật thương mại” theo hướng: Cổ đông phổ thông được quyền xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác có liên quan đến quyền lợi cổ đông.
Trân trọng cảm ơn ông!