Nếu Việt Nam không tiếp cận với luật chơi quốc tế về sở hữu trí tuệ, rất có thể sẽ bị phạt, bị loại khỏi cuộc chơi và bị thiệt hại trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đây là chia sẻ của ĐBQH Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) bên hành lang Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, chiều 31/5. Ông Khải cho rằng, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế xuất khẩu lớn, vì vậy để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ cần đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
“Vấn đề sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phức tạp nên chúng ta phải có hệ thống pháp luật cụ thể hơn nữa, tương thích với các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng như về thương mại. Chúng ta phải có đội ngũ chuyên gia tốt, ý thức của người dân và doanh nghiệp phải nâng cao hơn”, ông Khải kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 30/05/2019
13:05, 29/05/2019
11:01, 25/05/2019
04:50, 21/05/2019
Còn theo ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP HCM), thời gian qua Việt Nam đã thực hiện luật sở hữu trí tuệ với những biện pháp cơ bản để bảo vệ tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, việc thực thi luật này còn yếu, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Từ đó dẫn đến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn khá phổ biến, lượng hàng giả, hàng nhái cao, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ để khuyến khích các sản phẩm trí tuệ mới, khuyến khích sự ra đời của các phát minh là nền tảng của nền kinh tế chất xám.
“Quyền bảo hộ bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ là xu hướng và bắt buộc phải thực hiện. Việc sao chép tràn lan, coppy bản quyền tác giả sẽ không tạo động lực cho những người có ý tưởng sáng tạo hay phát minh mới, và họ cảm thấy bị xúc phạm”, ông Tuấn nói.
Trên thực tế, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật khá đầy đủ về sở hữu trí tuệ, hoạt động của toàn hệ thống đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới.
Trong đó, công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu cá nhân chưa đáp yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu cá nhân còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin sở hữu cá nhân còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thực sự mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ… Do đó, việc bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết để góp phần khuyến khích phát triển nền kinh tế tri thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.