Với nhiều sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, phù hợp thực tiễn, cùng các cam kết quốc tế, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) được cho sẽ tạo ra những cú hích trong hoạt động đổi mới sáng tạo…
>> Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các kết quả nghiên cứu được Nhà nước đầu tư, gia tăng hoạt động chuyển giao công nghệ... Từ đó sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế, lợi ích cho xã hội.
So với luật hiện hành, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) đã hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) có phạm vi khá rộng, với 102 điều được sửa đổi, bổ sung; đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung tại luật mới không chỉ thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mà còn tạo ra cú hích cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
>> Sở hữu trí tuệ - kim chỉ nam giúp thanh niên khởi nghiệp sáng tạo
Bên cạnh đó, đánh giá về tính nổi bật của luật mới, trong 7 nhóm chính sách lớn như: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước, thông qua quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì, đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì;…
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước sẽ tạo ra cú hích cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách Nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật (và trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát để đảm bảo việc khai thác có hiệu quả và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì (chủ văn bằng bảo hộ) và lợi ích của Nhà nước với tư cách là “chủ đầu tư” và lợi ích xã hội là một trong những điểm nhấn nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bởi quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này được đánh giá là còn nhiều vướng mắc, và thực tiễn cũng cho thấy, không ít kết quả nghiên cứu do Nhà nước tài trợ không được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, không thể đưa vào khai thác thương mại hóa, dẫn đến hiện trạng đầu tư của Nhà nước trở nên kém hiệu quả.
“Nội dung này được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng và chi tiết hơn, với việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách Nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại luật, qua đó, khuyến khích các cơ quan nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa…”, Luật sư Hiệp đánh giá.
Ngày 05/7 vừa qua, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) là một trong 5 luật được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước bên cạnh Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh Bảo hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
13:53, 31/05/2022
Sở hữu trí tuệ - kim chỉ nam giúp thanh niên khởi nghiệp sáng tạo
04:23, 27/04/2022
Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Bảo đảm tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
03:50, 05/04/2022
Luật Sở hữu trí tuệ: Có hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi
10:21, 28/03/2022
Quy định xử lý hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ còn chưa phù hợp
04:00, 10/12/2021