Bên cạnh sự bất cập, một số quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, còn được cho chưa phù hợp…
>> Dự thảo Nghị định về hoạt động in, cần hoàn thiện một số quy định
Cũng tại trả lời Công văn số 2393/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 06/07/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Dự thảo), bên cạnh một số quy định bất cập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, quy định xử lý hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ; quy định về phát sinh doanh thu còn chưa phù hợp.
Cụ thể, quy định xử lý hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, Dự thảo bổ sung nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ như: Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới: xử lý khiếu nại, tạm khóa hoặc xóa các nội dung bị khiếu nại trong 24h (Điều 1.18 sửa đổi Điều 22.3.đ Nghị định 72/2013/NĐ-CP); Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu: báo cáo cho Bộ Thông tin và Truyền thông khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về nội dung vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 1.18 sửa đổi Điều 22.3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP).
Cơ quan nhà nước có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chăn nội dung thông tin vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ (Điều 1.29 sửa đổi Điều 23i.4 Nghị định 72/2013/NĐ-CP); Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu: thông báo cho Bộ TTTT nếu phát hiện vi phạm về sở hữu trí tuệ (Điều 1.75 bổ sung Điều 44k Nghị định 72/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này chưa phù hợp và có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực thi. Bởi, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi xâm phạm lợi ích tư, việc xác định một nội dung có xâm phạm sở hữu trí tuệ hay không cần được xử lý theo trình tự, thủ tục của Luật Sở hữu trí tuệ, theo thẩm quyền phù hợp. Các doanh nghiệp trên không thể có đủ thông tin, bằng chứng, và cũng không có thẩm quyền xác định ai có quyền trong các trường hợp này.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định đã nêu”, VCCI góp ý.
>> Dự thảo Nghị định về hoạt động in, vẫn “vướng” về khai báo nhập khẩu thiết bị
Về quy định phát sinh doanh thu, Dự thảo bổ sung một số quy định với tài khoản, trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung có phát sinh doanh thu (dưới mọi hình thức) như Điều 22.3.e sửa đổi, Điều 23.6.g sửa đổi.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định này chưa rõ ràng và không rõ mục tiêu quản lý, bởi hoạt động trên không gian mạng có thể mang lại doanh thu cực kỳ đa dạng và từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn hình thức kiếm doanh thu từ mạng xã hội phổ biến hiện nay là các tài khoản mạng xã hội quảng cáo cho một nhãn hàng, thể hiện dưới dạng video hoặc bài viết. Khi đó, rất khó cho mạng xã hội có thể phát hiện được các nguồn doanh thu này, do hình thức thể hiện không khác gì các bài đăng thông thường và nguồn chi trả từ nhãn hàng (độc lập với mạng xã hội).
Bên cạnh đó, hiện nay, pháp luật về quản lý thuế (Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn) đã được xây dựng đầy đủ, hoàn thiện nhằm thu thập thông tin và thu thuế từ các đối tượng này. Việc yêu cầu các tài khoản, trang, nhóm, kênh nội dung phải đăng ký thêm với Bộ Thông tin và Truyền thông có thể dẫn đến trùng lặp về thủ tục hành chính mà không rõ mục tiêu quản lý là gì.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định liên quan đến tài khoản phát sinh doanh thu.
Ngoài ra, góp ý về cấp phép trò chơi điện tử (game), theo VCCI, Điều 31 sửa đổi (Điều 1.40 Dự thảo) quy định việc cấp phép với trò chơi điện tử (Giấy phép phát hành với trò chơi điện tử G1, Giấy chứng nhận phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng) cần xem xét ở các nội dung:
Thứ nhất, một số nội dung trong hồ sơ xem xét cấp phép chưa phù hợp. Các điều kiện cấp phép có thể được chia làm hai loại: các yêu cầu với doanh nghiệp phát hành game (nhân sự, tài chính, kỹ thuật…); các yêu cầu với game (nội dung, kịch bản trò chơi).
Việc quy định các điều kiện với doanh nghiệp (loại thứ nhất) không phù hợp với Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Quyết định 1994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/11/2021. Theo đó, Quyết định 1994/QĐ-TTg đã đưa ra phương án bãi bỏ toàn bộ các thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Trong khi đó, các quy định về điều kiện với doanh nghiệp nêu trên tại Dự thảo lại có tính chất và nội dung tương tự với các quy định dự kiến được bãi bỏ. Việc này có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm, đơn giản hóa không thực chất mà chỉ chuyển từ giấy phép này sang giấy phép khác.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và loại bỏ toàn bộ các điều kiện cấp phép có liên quan đến điều kiện vận hành, hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, Dự thảo hiện đang quy định tất cả các trò chơi điện tử đều phải thực hiện thủ tục hành chính trước khi phát hành ra thị trường với cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những game phát hành thành công, có nhiều người chơi, thì cũng có rất nhiều game nhỏ có lượng người tải thấp, ít có khả năng gây ra tác hại cho xã hội. Việc áp dụng chính sách quản lý đồng nhất giữa tất cả các trò chơi điện tử dẫn đến thực trạng các game mới phát hành hoặc các nhà phát triển game non trẻ (startup) đang bị quản lý quá chặt, dẫn đến gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Thay vào đó, việc quản lý những game nhỏ này có thể thực hiện bằng biện pháp hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện tại, qua đó giảm nhẹ gánh nặng hành chính, giúp sản phẩm thuận tiện trong việc phát hành ra thị trường. Doanh nghiệp, cá nhân phát hành game ra thị trường sẽ có trách nhiệm kiểm soát các nội dung kịch bản game, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính trị, chủ quyền lãnh thổ, do việc vi phạm, dù là nhỏ nhất, sẽ dẫn đến game bị thu hồi và gây thiệt hại doanh thu cho họ.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng phương pháp phân loại quản lý trong cấp phép trò chơi, tương tự chính sách quản lý mạng xã hội đã được đưa ra”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định về hoạt động in, cần hoàn thiện một số quy định
04:00, 30/11/2021
Dự thảo Nghị định về hoạt động in, vẫn “vướng” về khai báo nhập khẩu thiết bị
01:41, 28/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương dự thảo Nghị định chuyển giao công trình điện sang EVN quản lý
20:13, 24/11/2021
Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về Bưu chính còn chưa phù hợp
04:00, 16/11/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Cần bổ sung thêm quy định
04:00, 05/11/2021