Mâu thuẫn trong tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin

PV 15/08/2020 05:07

VCCI nhấn mạnh còn nhiều mâu thuẫn trong tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm.

Tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm... đang được nhận định là chưa rõ ràng.

Tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm... đang được nhận định là chưa rõ ràng.

Về tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên, Điều 4 Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước và giao Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tiêu chí xác định.

Như vậy, các tiêu chí trong Dự thảo chỉ cần hướng đến việc xác định nguồn gốc sản xuất của sản phẩm, dịch vụ. Việc yêu cầu các điều kiện liên quan đến chất lượng, giá cả hay các tiêu chí khác là không cần thiết, do những vấn đề này hoặc chỉ liên quan đến yêu cầu của gói thầu hoặc chỉ đơn thuần liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp.

Các tiêu chí này bao gồm:

Nhóm 1: Các tiêu chí liên quan đến các chất lượng, giá cả hoặc các yêu cầu về chấp hành quy định của pháp luật:

Tuân thủ các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành phù hợp với sản phẩm tương ứng (Điều 5.2); Có tài liệu kỹ thuật và tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt (Điều 5.4); Có chính sách rõ ràng về các điều khoản cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành, bảo trì, nâng cấp, trách nhiệm của nhà cung cấp và chính sách hậu mãi (Điều 5.5); Có giá bán, giá cung cấp thấp hơn giá nhập khẩu hoặc giá cung cấp trên thị trường quốc tế của sản phẩm cùng chủng loại, cùng tính năng kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Trong một số trường hợp cụ thể xem xét đến sản phẩm, dịch vụ có giá thành bằng giá thành nhập khẩu (Điều 6.1.a); Các tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn (Điều 6.1.b; Điều 6.2.a; Điều 6.2.d ; Điều 6.3.a; Điều 6.4.c, d, đ < trừ mục liên quan đến chi đầu tư phát triển>); Các tiêu chí này có thể được liệt kê trong Mô tả các yêu cầu của dự án hoặc Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ, nhưng là do đơn vị sử dụng sản phẩm, dịch vụ đặt ra, nhằm bảo vệ lợi ích của đơn vị đó.

Nhóm 2: Tiêu chí chỉ liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp

Tiêu chí về nhãn hiệu được bảo hộ (Điều 6.1.a): Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ đơn thuần liên quan đến việc bảo vệ lợi ích kinh tế của doanh nghiệp thông qua việc ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp mà không được cho phép, mà không thể hiện được nguồn gốc sản phẩm (do có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế). Ngoài ra, việc nhãn hiệu được bảo hộ cũng không thể hiện được năng lực nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất sản phẩm, do các yêu cầu về bảo hộ nhãn hiệu chỉ liên quan đến khả năng nhận biết và khả năng phân biệt với nhãn hiệu khác.

VCCI cho rằng có ý kiến cho rằng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên do chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ trong nước chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng các sản phẩm trong nước không thể thực hiện bằng cách nâng tiêu chí sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên vì sẽ làm hạn chế quyền được hưởng các ưu đãi của các doanh nghiệp trong nước, qua đó ảnh hưởng đến định hướng phát triển ngành công nghệ thông tin trong nước.

Thay vào đó, vấn đề có thể thực hiện thông qua các biện pháp chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất… Cũng có ý kiến khác cho rằng cần hướng dẫn chi tiết các tiêu chí xác định.

Việc này được suy đoán là do các đơn vị sử dụng ngân sách gặp khó khăn khi xây dựng các tiêu chí cụ thể trong Mô tả yêu cầu dự án hoặc Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin để phù hợp với yêu cầu về chất lượng mà vẫn cho phép hàng hóa được sản xuất trong nước có thể được tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, những tiêu chí này là xác định về chất lượng hoặc giá cả sản phẩm, không phải về nguồn gốc sản phẩm, nên không thuộc phạm vi của Dự thảo này, mà chỉ nên được liệt kê trong Mô tả yêu cầu dự án hoặc Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ những quy định trên.

Thứ hai, Dự thảo dự kiến quy định một số tiêu chí liên quan đến việc xác định việc sản xuất trong nước như sau: (i) tiêu chí về chi phí sản xuất trong nước; (ii) tiêu chí về số lượng lao động; (iii) tiêu chí về chi phí đào tạo, đầu tư phát triển; (iv) tiêu chí về năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại một số điểm như sau:

Theo đó, về tiêu chí chi phí sản xuất trong nước, Điều 5.3 quy định doanh nghiệp phải có chi phí sản xuất trong nước đáp ứng ưu đãi theo quy định của pháp luật đấu thầu, và quy định này áp dụng chung cho tất cả các nhà thầu cung ứng hàng hóa cũng như dịch vụ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Điều 14 Luật Đấu thầu chỉ quy định điều kiện về chi phí sản xuất trong nước khi ưu đãi với nhà thầu tham gia cung ứng hàng hóa, không áp dụng với nhà thầu cung ứng dịch vụ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định này để phù hợp với Luật Đấu thầu.

Về tỷ lệ chi phí cho đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển công nghệ, Dự thảo quy định chi phí cho đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển công nghệ trên tổng doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt tỷ lệ nhất định. Quy định này vô tình loại trừ các doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 3 năm. Chẳng hạn trường hợp của các tập đoàn lớn, có xu hướng chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc lấn sân sang một lĩnh vực mới của ngành công nghệ thông tin. Trong trường hợp này, các tập đoàn này thường thành lập các doanh nghiệp con để phụ trách riêng lĩnh vực đó. Và đương nhiên doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được tiêu chí này trong giai đoạn đầu.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định này theo hướng nếu doanh nghiệp được thành lập dưới 3 năm thì phần chi phí này chỉ tính cho khoảng thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng vớ đó, về tiêu chí chứng minh năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, Điều 6.1.a Dự thảo quy định doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phần cứng, điện tử phải cung cấp được tài liệu chứng minh sản phẩm được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam như bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch bán dẫn.

Tuy nhiên, quy định này là không hợp lý do sản phẩm phẩn cứng, điện tử được cấu thành từ nhiều linh kiện, chi tiết, trong đó có nhiều phần doanh nghiệp không thể tự nghiên cứu hoặc sản xuất được, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể có các văn bằng về sở hữu trí tuệ liên quan.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng doanh nghiệp có tài liệu như bản thiết kế, hồ sơ về cơ sở sản xuất,…

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước

    05:07, 20/07/2020

  • VCCI góp ý Dự thảo Nghị định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    04:50, 25/02/2020

  • VCCI góp ý dự thảo Nghị định xử phạt hành chính thuế, hóa đơn

    05:15, 20/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mâu thuẫn trong tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO