“Mệnh lệnh” cho kinh tế tư nhân

Nguyễn Việt thực hiện 16/02/2018 05:08

Kinh tế tư nhân sẽ đóng góp từ 50 đến 60% GDP của nền kinh tế. Sự quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ cho mục tiêu này được khẳng định trong sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW.

Khi nói về vai trò của kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, tạo hứng khởi mới cho các doanh nghiệp, khơi nguồn động lực cho sự đổi mới và sáng tạo cho mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đang là một nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, cả xã hội.

- Thưa Phó Thủ tướng, quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII: “Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng” có phải là “mệnh lệnh” hành động của toàn Đảng, toàn dân trong hành trình Đổi mới?

Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được ban hành nhằm đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đa dạng và bền vững với tốc độ tăng trưởng cao, có chất lượng, có quy mô và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế mà chúng ta đang hướng đến, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hứng khởi mới cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, khơi nguồn động lực cho sự đổi mới và sáng tạo của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Đổi mới mô hình tăng trưởng: Phải phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân

    Đổi mới mô hình tăng trưởng: Phải phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân

    11:17, 21/01/2018

  • “Ngôi sao hy vọng” của kinh tế Việt Nam là kinh tế tư nhân

    11:25, 01/01/2018

  • Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

    10:18, 25/10/2017

  • Phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết của Đảng

    20:34, 04/10/2017

Cũng mang con số 10 ý nghĩa, Nghị quyết cho chúng ta nhớ lại gần 30 năm trước, Bộ Chính trị khóa VI đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 (được gọi với cái tên thân thuộc là Khoán 10) đã đưa nền nông nghiệp nước ta “thay hình, đổi dạng” và phát triển vươn ra biển lớn.

Nếu như “Khoán 10” ra đời làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất nông nghiệp, thì Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã chính thức đem đến sự bình đẳng cho kinh tế tư nhân phát triển trên “bệ phóng” có tầm vóc và quy mô lớn hơn. Điều này khẳng định sự đột phá trong tư duy phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, loại bỏ những rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng mà toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm thực hiện trên hành trình tiếp tục đẩy mạnh đổi mới.

- Nếu Chính phủ muốn tạo ra được sự đột phá thực sự thì nhiệm vụ đầu tiên có phải là lấy lại niềm tin của người dân, của doanh nghiệp hay không, thưa Phó Thủ tướng?

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 hết sức coi trọng phát triển doanh nghiệp, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Với quan điểm đó, trong hai năm vừa qua Chính phủ luôn đồng hành với người dân, doanh nghiệp và nhận được nhiều đánh giá tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017 đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam là 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 14 bậc so với năm trước. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Những kết quả này cho thấy, Chính phủ đã tập trung làm tốt chức năng kiến tạo, phát triển như: Xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp, đồng thời tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân và đóng góp cho xã hội; Bảo đảm và phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân; Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; Kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp...

Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức hàng năm, trong đó Hội nghị lần thứ nhất được tiến hành ngay trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới với phương hướng chủ đạo là kiến tạo, hành động đã thúc đẩy, lan tỏa đối thoại, lắng nghe, giải quyết những khó khăn vướng mắc và đồng hành cùng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rất ấn tượng với những hành động quyết liệt của Người đứng đầu Chính phủ trong thời gian qua.

Trên tinh thần hành động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19, số 35 với thông điệp mạnh mẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các loại hình doanh nghiệp phát triển là̀nh mạnh, bình đẳng trước pháp luật, có cơ hội như nhau trong tiếp cận các nguồn lực và trong đầu tư kinh doanh. Cũng ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, Chính phủ đã chọn là năm quốc gia khởi nghiệp nhằm mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư mới với nỗ lực tạo lập một hệ sinh thái khởi nghiệp cho doanh nghiệp, người dân và hy vọng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tinh thần khởi nghiệp hàng đầu thế giới trong 5 năm tới. Bằng những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, khoảng 48% số doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 11% số doanh nghiệp dự kiến tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới.

- Thưa Phó Thủ tướng, cũng từ quyết tâm này, một Chính phủ kiến tạo vì doanh nghiệp đang được phát động và thực hiện rốt ráo trong suốt thời gian qua?

Trong năm 2017, Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh theo các Nghị quyết 19, Chỉ thị 26, Nghị quyết 35 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 27, thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết 24 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020…
Các bộ, ngành cũng đã tích cực nhiều hơn vào thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đến nay, đã chuẩn hóa, cắt giảm và đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính.

- Có phải từ "mệnh lệnh" xóa bỏ mọi rào cản đã thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển cả về lượng và chất, thưa Phó Thủ tướng?

Khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, đến nay, Việt Nam đã có những doanh nghiệp tư nhân theo đúng nghĩa, một số ít đã trở thành các tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu uy tín trong khu vực. Quan trọng hơn là nhìn nhận của xã hội, từ chỗ xem thường, coi nhẹ đến đề cao, tôn vinh những doanh nhân thành công trên thương trường khắc nghiệt. Và chúng ta có thể thấy rõ hơn khu vực kinh tế tư nhân đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta qua một số chỉ tiêu như: Đóng góp tới 40% GDP và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực này đang ngày càng cao hơn so với các khu vực kinh tế khác, gấp hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực nhà nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng dần theo các năm, đặc biệt trong năm 2017 đã có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, gần 26.500 doanh nghiệp khó khăn đã quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư đăng ký và bổ sung đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, mức lớn nhất từ trước đến nay.

- Không khó để nhận thấy, cơ chế phân bổ nguồn lực vẫn đang là “điểm nghẽn” khó vượt qua nhất nếu muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thưa Phó Thủ tướng?

Để tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thì mô hình quản trị nền kinh tế hiện nay của nước ta tiếp tục phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất. Trước tiên, chúng ta phải phân định rõ ràng những nhiệm vụ công-tư. Đó là tăng cường sự bảo đảm về quyền tài sản, thực thi cạnh tranh, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế. Dịch vụ hành chính công cần cung cấp theo hướng chuyển từ vai trò Nhà nước là người sản xuất và chủ sở hữu sang người hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và điều tiết, định hướng. Nhà nước giảm sự can thiệp hành chính vào điều hành nền kinh tế, chỉ tập trung quản lý, định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển. Mở rộng sự tham gia của mọi thành phần trong cung cấp dịch vụ công…

Xây dựng Nhà nước kiến tạo cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó quan trọng nhất là phân cấp cụ thể cho từng cấp ngành, địa phương phù hợp để tránh ôm đồm, chồng chéo, phân tán nguồn lực. Không can thiệp sâu vào thị trường, làm méo mó thị trường, “đoạn tuyệt” với quy hoạch phi thị trường, “chống” xin cho, ban phát, chống lợi ích nhóm... là những thông điệp mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đem lại một sân chơi thực sự lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Mệnh lệnh” cho kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO