Được nhắc đến từ 10 năm trước, nhưng tại sao đến nay, du lịch MICE tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển? Mô hình của Thái Lan có thể là một bài học tốt.
MICE là cụm từ viết tắt của Meetings (hội họp), Incentives (khen thưởng), Conventions (hội nghị, hội thảo) và Exhibitions (triển lãm). Trong đó:
Dao động từ 15 đến 10.000 người tham dự, nhằm mục đích trao đổi thông tin, thường được tổ chức ở những địa điểm như trung tâm hội nghị, khách sạn; có 2 hình thức chính: cuộc hội họp giữa các công ty với nhau (association meetings) và cuộc hội họp giữa các thành viên của một công ty (corporate meetings)
Bao gồm các chuyến đi do công ty tổ chức với các mục đích như liên kết các quản lý cấp cao với các lực lượng hàng đầu trong môi trường kinh doanh hoặc để tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, phòng ban xuất sắc.
Quy mô của hình thức này lớn hơn hội họp, thường được tổ chức cho rất nhiều người từ một hoặc nhiều quốc gia đến để gặp gỡ, thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.
Là các hoạt động được tổ chức để trình bày sản phẩm, dịch vụ, thông tin đến những người có quan tâm, khách hàng tiềm năng với mục đích thúc đẩy hiệu quả bán hàng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới, xây dựng các mối quan hệ, thu thập thông tin từ các đối thủ cạnh tranh hoặc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp.
Sự phát triển của MICE được gắn chặt với chính sách Thái Lan 4.0
Theo báo cáo của Hiệp hội Triển lãm toàn cầu (UFI), năm 2010, mức tăng trưởng của du lịch MICE tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 25% mỗi năm. Tại riêng khu vực Đông Nam Á, Thái Lan được coi là một trong những địa điểm du lịch MICE nổi bật với hơn 30 sự kiện tầm cỡ quốc tế được tổ chức hàng năm. Số liệu từ cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan (TCEB) đã chỉ ra rằng, 3 năm qua, lượng khách MICE chiếm 15% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan. Ước tính trong năm nay, thị trường khách này sẽ mang về cho Thái Lan 34 tỷ baht, tăng 24% so với năm ngoái.
Bà Nichapa Yoswee, Phó cục trưởng TCEB, đánh giá du lịch MICE đã có lịch sử phát triển đủ dày để các bên liên quan trong chuỗi giá trị nhận biết được tầm quan trọng và ưu điểm vượt trội khi phát triển ngành công nghiệp này. Các khách hàng doanh nghiệp nhận ra MICE là một cách thức hiệu quả để đạt được các mục tiêu kinh doanh. Các đơn vị tổ chức du lịch MICE đã thu về những khoản lợi nhuận lớn từ công tác tổ chức. Chính phủ cũng nhận ra MICE là con đường nhanh và hiệu quả để phát triển ngoại giao văn hóa, gia tăng sức mạnh mềm, khẳng định vị thế quốc gia. Chính vì vậy, chính phủ nhiều nước đã đề ra những chính sách, chiến lược cụ thể để thúc đẩy thương mại, hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, những lợi thế lớn so với những quốc gia khác trong khu vực về danh lam thắng cảnh và nền văn hóa đa dạng là nền tảng thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực du lịch MICE, dù đã manh nha từ khá lâu nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thực sự được đầu tư phát triển.
Theo bà Nichapa Yoswee, nhìn chung các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với một vài thách thức cơ bản, phổ biến nhất là sự thiếu sót trong hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Xét về yếu tố diện tích mặt bằng, sự thiếu hụt những trung tâm hội nghị, triển lãm với chất lượng cao, diện tích rộng có thể là những lý do khiến những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế ít khi được tổ chức tại Việt Nam. Ngoài ra, một yếu tố khác cần quan tâm là chất lượng và số lượng các sân bay quốc tế.
Thách thức lớn thứ hai mà các đơn vị phát triển MICE cần phải đối mặt là việc xây dựng những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Theo số liệu từ TCEB, các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức du lịch MICE sẵn sàng chi trả gấp 3,5 lần so với những chuyển du lịch thông thường. Vì vậy, họ mong chờ chất lượng tốt và sự sáng tạo, mới mẻ trong mọi trải nghiệm. Trung tâm Xúc tiến Thương mại châu Âu (CBI) gợi ý rằng, các đơn vị tổ chức du lịch MICE có thể kết hợp các nền tảng số trong các sự kiện, ví dụ như sử dụng mã QR để kết nối người tham gia đến các nền tảng online, xây dựng ứng dụng riêng cho sự kiện (event apps),… Hơn nữa, trong quá trình xây dựng những chương trình hội nghị (agenda) cho các sự kiện MICE, cần luôn xen lẫn các hoạt động tham quan, du lịch, giải trí, mua sắm,… vừa là cách để giao lưu văn hóa, vừa là hình thức thu lợi nhuận.
Một thách thức mà nhiều quốc gia khác phải đối mặt nhưng Việt Nam lại có ưu thế là vấn đề an toàn, an ninh của các du khách. Tờ Diplomat đã dựa trên các chỉ số an toàn và an ninh của Viện Nghiên cứu Chính sách Legatum (trụ sở tại London, Anh) để đưa ra bảng xếp hạng 10 nơi an toàn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Theo bà Nichapa Yoswee, bên cạnh việc ý thức rõ những thách thức phải đối mặt, các đơn vị muốn đầu tư phát triển du lịch MICE cần có những sự chuẩn bị sau:
1 Xác định rõ chuỗi giá trị trong ngành và các đối tượng có liên quan. Từng bước xây dựng mối quan hệ cộng tác với các đối tượng đó.
2 Có sự hiểu biết, theo dõi những diễn biến kinh tế trên thế giới và dự đoán cách những diễn biến ấy ảnh hưởng đến thị trường MICE.
3 Hiểu rõ du khách MICE khác với những du khách du lịch thông thường. Cần nghiên cứu cụ thể về kỳ vọng, yêu cầu, mong muốn của khách hàng, từ đó xây dựng sản phẩm, dịch vụ hợp lý.
4 Xây dựng kế hoạch quản lý vấn đề, quản lý rủi ro để sẵn sàng đối phó với những tình huống không mong muốn.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của thị trường du lịch MICE tại Đông Nam Á, Thái Lan đã có tốc độ phát triển đáng ngạc nhiên trong vòng 10 năm qua. Bà Nichapa Yoswee đã chia sẻ về giai đoạn phát triển đầu tiên của MICE tại đất nước này.
Trước tiên, chính phủ Thái Lan đã chính thức đặt việc phát triển du lịch MICE vào chiến lược phát triển quốc gia. Cụ thể, sự phát triển của MICE được gắn chặt với chính sách Thái Lan 4.0, chính sách tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng (added value industry) cùng các công nghệ tiên tiến, chất lượng cao. Đó là lý do khiến thời gian gần đây, Thái Lan thu hút khá nhiều các sự kiện MICE liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ ngân sách để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch MICE, tăng số lượng và chất lượng các điểm đến và nâng cao hệ thống dịch vụ. Sự hỗ trợ nhiều mặt của chính phủ chính là nền móng đầu tiên và vững chắc nhất cho sự “bứt phá” của ngành công nghiệp MICE tại Thái Lan.
Tiếp theo, Thái Lan đã có sẵn lợi thế là một quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch, giải trí và thu hút lượng đầu tư lớn. Vì vậy, ngay từ khi thành lập từ năm 2002, TCEB đã xác định thông điệp rõ ràng rằng Thái Lan có thể cung cấp những trải nghiệm không giới hạn, không dừng lại là địa điểm vui chơi giải trí, mà còn là điểm đến tiềm năng cho các sự kiện MICE. Theo bà Nichapa Yoswee, 16 năm là khoảng thời gian đủ dài để truyền tải và khẳng định thông điệp trên cả phạm vi khu vực và quốc tế. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, Thái Lan đã giành được cơ hội tổ chức 14 hội nghị quốc tế, thu hút 8 hội chợ thương mại lớn và hỗ trợ hơn 400 sự kiện lớn nhỏ.
Tận dụng các lợi thế nói trên, TCEB đã xây dựng kế hoạch hợp tác toàn diện với các đối tác liên quan. Quan hệ hợp tác được thiết lập trên mọi cấp độ, giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ MICE với nhau, giữa chính phủ với các đơn vị tổ chức, giữa chính phủ Thái Lan với chính phủ các nước khác và giữa chính phủ và công chúng. Có thể khẳng định, tầm nhìn xa và sự đầu tư toàn diện cùng với nền tảng về du lịch sẵn có là những lý do làm nên sự thành công của ngành công nghiệp du lịch MICE tại quốc gia này.
Bà Nichapa Yoswee hiện đang là Phó cục trưởng cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan (TCEB). Được thành lập năm 2002, đây là cơ quan chính phủ đầu tiên và duy nhất của Thái Lan tập trung vào việc lên kế hoạch, xúc tiến phát triển ngành công nghiệp du lịch MICE.