Thiếu động lực tăng trưởng là điểm trừ của Colusa - Miliket trong mắt nhà đầu tư, dù triển vọng tăng trưởng của ngành còn rất sáng.
Là một trong những thương hiệu nổi tiếng của người Việt có tuổi đời gần 50 năm, giờ đây Miliket đang vật lộn tìm cách để tiếp tục sinh tồn.
"Huyền thoại" hai con tôm
Miliket là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa (1972) và Lương thực thực phẩm Miliket (1995).
Thương hiệu mì Miliket vang bóng 1 thời.
Hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào tháng 4/2004, với tên gọi Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket để thực hiện cổ phần hóa.
Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco Sài Gòn thực phẩm. Còn Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket thành lập năm 1995, sáp nhập từ 2 cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực quận 5.
Tháng 8/2006, công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.
Tính đến 15/11/2016 Colusa - Miliket có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 80,51% vốn điều lệ công ty, trong đó Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VNF2 – Vinafood 2) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 30,72% vốn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba sở hữu 20,41% vốn.
'Huyền thoại' mì hai tôm Miliket đã trở thành ký ức đẹp của nhiều thế hệ người Việt Nam trong 1-2 thập kỷ cuối thế kỷ 20 và là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam, thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam, cũng được xem là thương hiệu “độc quyền” trên thị trường trong hàng chục năm của thập niên 70, 80.
Thương hiệu này nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhưng cũng từng có giai đoạn mì tôm Miliket trở thành món đồ ăn xa xỉ với nhiều người, khi chúng chỉ được bán tại các cửa hàng tạp hóa quốc doanh.
Miliket nổi tiếng đến mức hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau in ngoài bao bì đã trở thành biểu tượng, thành thói quen và thành luôn cái tên chung cho các loại mì gói được sản xuất về sau này.
Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng lớn tuổi, những năm 80 của thế kỷ trước, mì tôm Miliket chỉ có 2 sản phẩm chính là mì gói giấy với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì và mì ký (bán theo kg) với hình ảnh 4 con tôm trên mỗi túi 1 kg.
Không có thống kê nào về kết quả kinh doanh của vua mì tôm Miliket những năm trước 2000 được công bố, tuy nhiên với vị thế “độc quyền”, thành công mà Miliket gặt hái được thời điểm đó không ai có thể phủ nhận.
Bài toán sinh tồn
Sau năm 2000, sự gia nhập thị trường của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế “độc quyền” của Miliket dần mất đi.
Các hãng mì mới xuất hiện với nguồn lực mạnh mẽ hơn rất nhiều và đầu tư, quảng bá hình ảnh những gói mì ăn liền ấn tượng với hình ảnh minh họa trên bao bì bắt mắt cùng với kênh phân phối rộng lớn. Ra đời sau nhưng nhờ tiềm lực lớn, Vina Acecook, Masan, Asia Foods… nhanh chóng chiếm thị phần của Miliket.
Từ người dẫn đầu, đến nay thị phần của Miliket chỉ ở mức dưới 4% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam.
Từ người dẫn đầu, đến này thị phần của Miliket chỉ ở mức dưới 4% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam.
Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ lắm tiền nhiều của, mặc dù không có điều kiện chi nhiều tiền quảng cáo, Miliket vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đó là tập trung vào phân khúc nông thôn, những người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, chứ không bán rộng khắp.
Doanh nghiệp cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để bắt kịp những thay đổi của thị trường. Miliket sản xuất thêm phở, cháo, hủ tiếu, miến ăn liền và lấn sân sang các mặt hàng gia vị như: nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật... Các sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất hiện tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Singpore...
Đặc biệt, Miliket cũng là một trong số ít đơn vị vẫn sản xuất sản phẩm mì ký - sản phẩm mà hầu hết thương hiệu lớn hiện nay không sản xuất. Nhờ đó, mì 2 con tôm vẫn sống khỏe trong thị trường ngách với tập khách hàng riêng của mình và đang lớn mạnh về doanh thu.
Tuy nhiên, hoàng kim ấy cũng không kéo dài khi các đối thủ cũng nhìn ra con đường mà Miliket đang đi và cũng không bỏ qua bất cứ cơ hội nào.
Không có chiến dịch quảng cáo, truyền thông rầm rộ nào, cũng không có dòng sản phẩm mới mang tính đột biến, Colusa - Miliket càng bộc lộ việc không thực sự chú trọng đầu tư cho năng lực sản xuất. Quy mô sản lượng tiêu thụ, doanh thu của Công ty gần như không tăng trưởng trong 3 năm qua.
Ở thời điểm hiện tại, cái tên Miliket đã “lép vế” rõ rệt trong cuộc đua với các ông lớn cùng ngành khi cuối năm 2020, Colusa - Miliket đã có năm suy giảm lợi nhuận thứ 2 liên tiếp, kể từ năm 2018.
Báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, năm 2020, Công ty thu về 611,3 tỷ đồng, giảm 1,7% so với năm 2019; lợi nhuận gộp đạt 140,7 tỷ đồng, giảm 6,3% so với 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 22,13 tỷ đồng, giảm 10,7% so với năm 2019. Kết quả lợi nhuận bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 23,2 tỷ đồng/năm, thấp hơn 20% so với mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Cuối năm 2020, tổng tài sản của Miliket là 251 tỷ đồng, trong đó có tới 47 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 131 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản nợ vay nào.
Tuy vậy, tỷ lệ tiền dự trữ cao trong cơ cấu tài sản cũng kéo giảm đáng kể mức sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn cũng như các vòng quay hoạt động của Công ty khi hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn của năm 2020 lần lượt đạt 8,9% và 15,6%.
Tính đến cuối năm 2020, quy mô tài sản cố định hữu hình của Colusa - Miliket vỏn vẹn 15,96 tỷ đồng, giá trị khấu hao chiếm tới 85% nguyên giá. Trong 107 tỷ đồng nguyên giá tài sản cố định đến cuối năm 2020, giá trị tài sản đã khấu hao hết, nhưng vẫn còn sử dụng theo nguyên giá là 51,9 tỷ đồng. Điều này cho thấy, đa phần máy móc, thiết bị của Công ty đã khá cũ kỹ.
Dòng tiền đầu tư tài sản cố định của Colusa - Miliket khá hạn chế với 2,2 tỷ đồng trong năm 2019 và 1,5 tỷ đồng trong năm 2020. Với những con số này, nhiều khả năng Công ty chỉ đầu tư thay thế các thiết bị cũ, chứ khó mở rộng được năng lực sản xuất.
Về sản phẩm, dù theo giới thiệu của Colusa - Miliket, bên cạnh các sản phẩm mì gói giấy 2 con tôm truyền thống, Công ty còn nhiều sản phẩm như hủ tiếu, phở, cháo, mì tô, mì ly… nhưng từ góc nhìn của người tiêu dùng, những sản phẩm này còn ít được biết tới, chưa kể sự hạn chế về mẫu mã, hương vị...
Từ khi lên sàn UpCOM năm 2017, thị giá cổ phiếu CMN của Colusa - Miliket hầu như không tăng trưởng với thanh khoản thấp. Với Hệ số Giá trên thu nhập (P/E) tính theo kết quả kinh doanh năm 2020 chỉ ở mức hơn 11 lần, thấp hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng, cổ phiếu CMN gần như chỉ thu hút được các nhà đầu tư ưa thích chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn, thay vì nhìn vào tiềm năng tăng trưởng.
Như vậy, với sản lượng tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng chậm trong nhiều năm, thậm chí suy giảm trong bối cảnh Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về sức tiêu thụ mì ăn liền với sản lượng tăng trưởng đều đặn hàng năm, năng lực cạnh tranh cũng như động lực tăng trưởng của Colusa - Miliket đang là một dấu hỏi lớn.
Có thể bạn quan tâm
"Miếng bánh" dược phẩm không dễ xơi
11:00, 03/05/2021
Định hình thương hiệu quốc gia
13:47, 03/05/2021
[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI]: Giày Thượng Đình “chật vật” tìm chỗ đứng
03:50, 05/02/2020
[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI] Xá xị Chương Dương tìm đường trở lại
05:38, 04/02/2020
[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI] Trà Wonderfarm: Đi xa để trở về
05:40, 03/02/2020
[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI]: Xe đạp Thống Nhất - một thủa hoàng kim
11:16, 01/02/2020
[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI] "Thần dược" một thời Cao Sao Vàng giờ ra sao?
11:07, 30/01/2020
[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI] Hành trình tìm lại ánh hào quang cho thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan
08:44, 29/01/2020