"Mở cửa du lịch" đang trở thành cụm từ được quan tâm và đặt kỳ vọng nhiều nhất khi từ 15/3, ngành du lịch, kéo theo là các ngành liên quan hàng không, lưu trú, vận tải... gắn cùng du lịch hưởng lợi.
>> MỞ CỬA DU LỊCH: Chính sách "mở đường" - tận dụng thời cơ
Theo báo cáo mới nhất xoay quanh Ngành du lịch mở cửa trở lại từ ngày 15/3, Bộ phận Phân tích, SSI Research của CTCK SSI khẳng định: Sự kiện này sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gồm trước hết chính các nhóm Du lịch, lữ hành; sau đó là lưu trú du lịch (ví dụ: khách sạn, resort,..); và đi cùng là vận tải du lịch.
SSI lưu ý, sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.
Đối với nhóm Du lịch, lữ hành, đây là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. Các cổ phiếu đáng chú ý gồm có: VTD (CTCP Du lịch Vietourist), VNG (CTCP Du lịch Thành Thành công); CTC (CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây nguyên); TCT (CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh). Tuy nhiên, theo SSI, việc phát hành tăng vốn tại VTD sẽ làm suy giảm lợi nhuận đem về cho cổ đông trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm. Bên cạnh đó, TCT cũng gặp phải khó khăn trong cạnh tranh gay gắt với cáp treo Sunworld.
Đối với nhóm Lưu trú du lịch, đây là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Các cổ phiếu cần theo dõi bao gồm: DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), OCH (CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH), NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).
Đối với nhóm Vận tải du lịch, đây là lĩnh vực mang tính chất hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. v.v. tuy nhiên, với đặc tính vận tải, các cổ phiếu trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao. Các cổ phiếu hưởng lợi gồm có: HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet), SKG (Superdong Kiên Giang), SRT (CTCP Vận tải Đường sắt Sài gòn), HRT (CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội).
>> Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không kiến nghị về mở cửa du lịch
Ngoài ra, SSI đánh giá đại diện đầu ngành của nhóm Dịch vụ hàng không là ACV cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ câu chuyện hồi phục sau dịch. "Chúng tôi cũng lưu ý các cổ phiếu được lựa chọn trên đây có cân nhắc đến thanh khoản của cổ phiếu trên sàn giao dịch, và tính đại diện của cổ phiếu trong ngành (ví dụ ngành dịch vụ hàng không có nhiều lựa chọn tuy nhiên ACV được lựa chọn vì quy mô, vị thế cũng như thanh khoản tốt)", báo cáo lưu ý.
Trên sàn chứng khoán, phiên giao dịch hôm nay 15/3, chưa thực sự phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu các nhóm ngành trực tiếp, hoặc kéo theo hưởng lợi từ ngành Du lịch mở cửa trở lại. VTD đang đỏ lửa với mức bốc hơi 1,54% so với phiên liền trước về 25.600đ/cp lúc gần chốt phiên sáng. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào một phiên thì chưa đủ đánh giá độ "vui mừng" của nhà đầu tư trên thị trường, khi đã đi trước đón đầu "điểm rơi" chính sách hiệu lực. Từ cả tuần trước, mùng 2/3 cho đến nay, VTD liên tục xanh bất chấp thị trường có những phiên chao đảo vì lo ngại chiến sự Nga - Ukraine và lạm phát.
Tương tự, VNG cũng có hầu hết các phiên tăng điểm thay cho giảm và trong trọn vẹn 1 tháng qua, có tới 12 phiên tăng điểm, 7 phiên giảm, đưa cổ phiếu VNG đi từ 14.400đ/cp lên 17.800đ/cp. Một mức tăng trưởng "không tệ" trong bối cảnh xu hướng thị trường chứng khoán ngắn hạn chưa thực sự rõ ràng.
Với HVN, VJC hôm nay đều đang tăng nhẹ. trong khi đó, ACV trong kỳ vọng tích cực của SSI về phía tương lai, tiếp tục nối dài chuỗi đỏ sàn và bốc hơi giá trị, đưa cổ phiếu từ mức 96.500đ/cp về 89.500đ/cp trong vòng một tháng. Điểm điều chỉnh của các cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tạo sức bật tốt hơn khi thị giá đã về mức rẻ hơn.
Theo SSI Research, mặc dù vẫn còn các quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch, tuy nhiên với định hưởng mở cửa trở lại, đặc biệt với khách quốc tế của Việt Nam, đồng thời với việc mở cửa dần dần của các quốc gia khác trên thế giới, triển vọng hồi phục của ngành kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn. Số lượt khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch tuy nhiên có thể xác định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã rơi vào 2021. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý mức độ hưởng lợi, cơ hội của các doanh nghiệp trong nhóm hưởng lợi sẽ có sự khác nhau tùy thuộc khả năng nắm bắt của chính doanh nghiệp, kéo theo là sự phân hóa lợi nhuận. Bên cạnh đó, các yếu tố như chiến sự Nga - Ukraine lẫn lạm phát, giá năng lượng liệu có tiếp tục leo thang hay không... cũng sẽ tác động không nhỏ đến hiện thực hóa sức bật kỳ vọng từ mở cửa du lịch trở lại.
Có thể bạn quan tâm