Mô hình TOD: Cơ hội chỉnh trang các khu đô thị “ổ chuột”

NGUYỄN VIỆT 06/01/2023 04:13

Phát triển theo Định hướng Giao thông (TOD) là cơ hội để chỉnh trang cải tạo các khu đô thị ổ chuột, phát triển tự phát hiện hữu.

>>Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng

Ngày 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: Bích Lan

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: Bích Lan

Trước đó, tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức gần đây, nêu ý kiến về phương án huy động nguồn lực tài chính để thực hiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị bổ sung quy hoạch mô hình Phát triển theo Định hướng Giao thông (TOD).

Đề nghị bổ sung quy hoạch mô hình TOD

Mỗi một TOD có thể được quy hoạch để phát triển đô thị hóa các vùng miền, bao gồm khu đô thị - thương mại – khu, cụm công nghiệp hỗn hợp bám sát với các khu vực quanh nhà ga dọc tuyến đường sắt tốc độ cao quốc gia (Tuyến Bắc Nam và các tuyến kết nối), cũng như quanh các nhà ga đường sắt đô thị (tầu điện ngầm) tại các thành phố lớn.

Phát triển theo mô hình TOD là cơ hội để chỉnh trang cải tạo các khu đô thị ổ chuột, phát triển tự phát hiện hữu, không thuận lợi về giao thông (ngõ hẻm), điện nước vá các dịch vụ môi trường, văn hóa, xã hội. Đồng thời, phát triển hình thành các khu đô thị mới được quy hoạch tính toán chiến lược một cách trật tự và hiệu quả nhờ thuận lợi về giao thông vận tải, logistics.

“Lợi ích lớn nhất của mô hình TOD là sẽ giúp giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân và giảm chi phí logistics thời gian vận chuyển lưu thông hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế và toàn xã hội”, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Về phương án huy động nguồn lực tài chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị bổ sung nguồn lực từ đấu giá đất thuộc quy hoạch dành cho các TOD để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ chính các TOD trên trục tuyến giao thông đó.

“Mỗi một TOD được quy hoạch chi tiết với đầy đủ chức năng, mục đích sử dụng, hệ số mật độ xây dựng, chiều cao kết hợp với cơ chế đấu giá đất sau khi thu hồi theo quy định mới tại luật đất đai”, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói.

Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia, nếu thực hiện tốt, tiền chênh lệch giữa tiền thu từ đấu giá đất trong quy hoạch dành cho TOD một cách công khai minh bạch sau khi thành toán đền bù giải phóng mặt bằng sẽ dư để thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, cũng như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà không phải vay nợ nước ngoài.

Phương án huy động nguồn lực từ đất thuộc các TOD như trên là mô hình được chứng minh rất thành công ở Singapore, Hồng Kông và gần đây là Trung Quốc và phân chia hài hòa lợi ích từ chênh lệch địa tô giữa ba bên là người dân có đất bị thu hồi, doanh nghiệp đầu tư các dự án trong TOD và nhà nước là giải pháp hiện thực hóa chủ trương chiến lược như Nghị quyết Trung ương 18 đề ra.

>>Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

>>Trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng

Tập trung đầu tư cho Vùng động lực phía Nam

Để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tăng tính khả thi của quy hoạch,  phù hợp với các nguồn lực của quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia khẳng định quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển quốc gia đã đảm bảo các yêu cầu khách quan, đa dạng phong phú, hướng đến việc giải quyết các mẫu thuẫn trong quá trình phát triển và tạo ra sự cân bằng về không gian phát triển giữa các vùng trong cả nước.

PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia. Ảnh: Bích Lan

PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia. Ảnh: Bích Lan

Tuy nhiên, PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng cũng chỉ ra một số mục tiêu còn chưa rõ ràng, cần tiếp tục được cụ thể hoá. Theo đó, vùng động lực phía Bắc gắn với cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội đã cơ bản hình thành và vận hành tốt nhờ hạ tầng giao thông và các hạ tầng kinh tế - xã hội khác được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2020.

Trong giai đoạn 2021-2030, khi nguồn lực đầu tư quốc gia còn khó khăn, nên tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cho Vùng động lực phía Nam với cực tăng trưởng là TP. HCM và hoàn thiện hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, theo PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay được các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thống nhất là chất lượng giáo dục cả phổ thông và đại học chưa cao; sức khoẻ và năng lực của lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động từ các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.

Nguồn nhân lực và chất lượng lao động là một trong những tiền đề quan trọng nhất đảm bảo cho việc thực hiện thành công các chiến lược công nghiệp hoá trong giai đoạn 2021-2030.

Do đó, mục tiêu về giáo dục cần làm rõ hơn và được ưu tiên cao hơn, đó là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN (tức là ngang bằng với Malaysia) về tất cả các chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đại học.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, cần xác định cụ thể Khung kết cấu hạ tầng quốc gia cần xây dựng trong giai đoạn 2021-2030 bao gồm những gì để đưa ra giải pháp thực hiện.

Hiện nay, không có quốc gia nào có thể công nghiệp hoá mà việc vận chuyển hàng hoá được thực hiện với từng chiếc xe tải chở từng công te nơ (container) rong ruổi trên các tuyến đường với chi phí vận chuyển rất cao, tạo nhiều rủi ro mất an toàn giao thông.

“Vì vậy, cần cân nhắc thay đổi từ mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ một cách dàn trải để tập trung xây dựng được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chở hàng và chở người tốc độ 150-200 km/giờ, có công nghệ, chi phí và thời gian xây dựng phù hợp với các yêu cầu và điều kiện mà đất nước ta đang và sẽ có”, PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng

    16:48, 05/01/2023

  • Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

    15:38, 05/01/2023

  • Trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng

    13:23, 05/01/2023

  • Kỳ vọng vào những quyết sách quan trọng tại kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV

    09:07, 05/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mô hình TOD: Cơ hội chỉnh trang các khu đô thị “ổ chuột”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO