Nhờ vào việc tận dụng lợi thế từ mặt bằng nhỏ để làm dịch vụ theo cách riêng, nhiều thương hiệu không những thu hút được khách hàng, mà còn chạm được phân khúc giá cao hơn mặt bằng chung.
Trong điều kiện phần lớn các phân khúc thị trường đã được bao phủ, việc tìm ra thị trường ngách không dễ dàng, các doanh nghiệp có thể nghĩ tới một mô hình kinh doanh với mặt bằng nhỏ nhưng tối ưu hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng như trải nghiệm giá trị thương hiệu.
Ra đời từ năm 2009, Rùa’s House là một chuỗi homestay do bà Đặng Thị Thanh Nhàn sáng lập với các cơ sở Rùa Giảng Võ, Rùa Chương Mỹ, Rùa Sapa. “Như một chiếc mai rùa, nơi mọi người tạm dừng chân, sống chậm lại và yêu từng khoảnh khắc” là mục tiêu của Rùa’s House.
Vì lẽ đó, mỗi địa điểm trong chuỗi Rùa’s House đều mang những màu sắc trải nghiệm riêng. Rùa Giảng Võ – căn hộ nhỏ nhắn trong khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) đem đến một hành trình chuyển giao văn hóa, từ nhịp sống tập thể Hà Nội đến không gian đậm đặc nét dân tộc. Nội thất được ốp gỗ ván tạo cảm giác như ở một căn nhà sàn giữa thủ đô. Những chiếc trống da trâu người dân tộc Dao đỏ, chiếc nỏ săn thú rừng, chiếc mâm cổ của người dân tộc Lào hay chiếc yếm đeo ngực... được bài trí đa dạng. Rùa Chương Mỹ gồm những căn nhà sàn và nhà ba gian, nằm trong một xóm núi nguyên bản, là nơi diễn ra các chương trình hướng dẫn thiền định, thực chay, trà đạo. Rùa Sapa là địa điểm đang được hoàn thiện trên một ngọn đồi giữa thung lũng xen kẽ các hộ dân H’mong bản địa. Tinh thần văn hoá của con người, nếp sinh hoạt tại mỗi địa điểm được gói gém vào những không gian nhỏ, từ bức tường, lối đi, manh chiếu, tấm thảm, vật dụng trang trí đều trở thành những “điểm chạm” cảm xúc. Đặt mình vào từng hoạt động để cảm nhận là cách bà Nhàn chăm sóc cho trải nghiệm khách hàng tại Rùa. Vì vậy, dù mức giá thuê phòng của Rùa cao hơn các khách sạn trong thành phố nhưng vẫn tạo ra sức thu hút với nhiều khách hàng.
Cũng giống như những nếp nhà của Rùa’s House, Tranquil, Blackbird, VUI Studio (Hà Nội) là những địa chỉ tuy nhỏ bé về không gian, nhưng lại đem đến những trải nghiệm thú vị. Ông Khuất Tuấn Anh, nhà sáng lập của những không gian này ý thức rất rõ về một dịch vụ boutique, và đưa tới nét chỉn chu để khách hàng không còn so sánh giá với diện tích mặt bằng (giá trên menu đồ uống tại các địa điểm trên thường cao hơn mức trung bình 30%).
Nếu bạn muốn một không gian yên tĩnh và những đầu sách độc đáo, Tranquil là câu trả lời. Nếu bạn muốn vừa tìm hiểu cách làm phim, chụp ảnh; vừa trải nghiệm những những mùi hương tự nhiên của tinh dầu (bưởi, quế, oải hương,...), hãy đến Vui Studio. Nếu bạn tìm một nơi để ngắm phố, trò chuyện về tách cà phê, hay tìm hiểu về cách hạt arabica và robusta của Việt Nam được cộng hưởng với kỹ thuật pha chế tây Âu ra sao, xin mời tới Blackbird. Trong không gian chỉ từ 50-100 mét vuông, từng trải nghiệm độc đáo được cung cấp cho khách hàng, đi cùng với đó là những quy chuẩn kỹ lưỡng mang tính hệ thống về cách phục vụ. Chẳng hạn, khách có thể nhận được những lời khuyên rằng một buổi chiều mưa thì nên thử loại thức uống nào; hay cứ 5 giờ chiều sẽ có bản nhạc nào đấy của The Beatle vọng lên; và khoảng 6 giờ tối, người ta sẽ thắp sáng một cây nến nhỏ trên bàn bạn ngồi,... Như vậy, không riêng đồ uống, cả âm nhạc, ánh sáng, không gian đều hỗ trợ hiệu quả hành trình trải nghiệm của khách hàng. Ông Tuấn Anh cho rằng, làm nhỏ là cơ hội để doanh nghiệp tối ưu dịch vụ tốt hơn, không chỉ làm khách hàng hài lòng mà còn truyền cảm hứng tới nhân viên, giữ họ ở lại và đóng góp ý tưởng sáng tạo.