Năm 2023, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào đầu tư công, đây cũng là chìa khóa chính để đạt được mục tiêu của Chính phủ, còn nếu phụ thuộc vào sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu sẽ là rất khó.
>>Áp lực lạm phát: 25% nhà đầu tư Việt Nam giảm đầu tư
Mới đây, Chính phủ đã đề ra kế hoạch về những mục tiêu cho kinh tế - xã hội năm 2023 với hơn 10 chỉ tiêu. Trong đó có 3 mục tiêu quan trọng nhất mà các nhà đầu tư cần quan tâm đó là tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên năm nay là một năm có sự khác biệt trong cơ chế điều hành của Chính phủ. Những năm trước, Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% ngay cả khi áp lực lạm phát rất rõ ràng; còn năm nay mặc dù lạm phát toàn cầu suy giảm nhưng chúng ta lại đặt mục tiêu cao hơn là 4,5%. Điều đó chứng tỏ sự thận trọng, thích ứng không chỉ diễn ra trong nền kinh tế mà còn diễn ra ở chính các cơ quan điều hành.
Đây cũng sẽ là một năm mà chính sách tác động rất nhiều đến các mục tiêu trên. Trong đó, có hai chính sách tác động trực tiếp bao gồm: Chính sách tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước quản lý trực tiếp, điều hành về lãi suất, cung tiền, cũng như các chính sách quy định của hệ thống ngân hàng, để tác động đến nền kinh tế, lạm phát, tỷ giá đi theo vùng mà Chính phủ đã đặt mục tiêu. Cùng với đó, có những giai đoạn chính sách tiền tệ không mang lại tác dụng thì có chính sách tài khóa như thuế và đầu tư công hỗ trợ.
Vậy với bối cảnh tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá được dự báo trong năm 2023 chính sách tiền tệ sẽ ra sao, được mở rộng hay hay bị thu hẹp một cách tiêu cực, đồng thời chính sách tài khóa có còn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nữa hay không là vấn đề cần được phân tích rõ.
Thứ nhất, về yếu tố tăng trưởng kinh tế, chúng ta có mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 8,02%, là mức khá cao trong gần 20 năm qua, con số này tiệm cận về mức của năm 2004-2006 (ghi nhận mặt bằng chung khoảng 8,4% tăng trưởng). Nhưng sau đó chúng ta lại bước vào một giai đoạn kinh tế không đạt đến đầu 7% và chỉ quay trở lại trong năm 2022. Tuy nhiên, với dự phóng của tất cả các tổ chức nghiên cứu thị trường đều cho rằng năm 2023 sẽ là một năm khá khó khăn.
Tổ chức có dự báo tiêu cực nhất như Maybank Kim Eng hoặc Citi Group dự báo tăng trưởng khoảng 6%, còn tổ chức có dự báo tích cực nhất là Standard Chartered dự báo khoảng 7,2%. Tính bình quân của hơn 10 tổ chức dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2023 đâu đó là khoảng 6,5%, tương đương với mục tiêu Chính phủ đề ra và thấp hơn giai đoạn trước khi xuất hiện Covid-19.
Như vậy, các tổ chức lớn đều cảm thấy những khó khăn rõ nét trong nền kinh tế, nhưng theo cá nhân tôi đánh giá con số này vẫn đang là tích cực. Vì các dự báo này đều được đưa ra cách đây từ 1-2 quý trước, thời điểm chúng ta chứng kiến tăng trưởng quý 3/2022 ngoạn mục và những tiêu cực trong sản xuất chưa thể hiện rõ. Đến quý 4 sự tiêu cực mới nổi lên rõ nét, điển hình là khâu sản xuất với chỉ số PMI sụt giảm về mức gần như không tăng trưởng. Sự suy giảm này không đến ở trong nước mà ở toàn cầu, dẫn đến tình trạng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Vậy động lực để nhấc được tăng trưởng kinh tế 2023 lên trước viễn cảnh chi tiêu, sản xuất đều yếu chỉ có thể là đầu tư công dẫn dắt. Theo đó, năm 2022 là năm chúng ta đạt mốc gần như kỷ lục về đầu tư công mặc dù kế hoạch này rất cao, con số thực hiện cũng cao tương đương năm 2021. Dự kiến đến năm 2023 kế hoạch đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đối kỉ lục so với năm 2022 và có thể nền kinh tế sẽ được hấp thụ khoảng 200 - 3.00.000 tỷ đồng từ đầu tư công, là vốn mồi được bơm trực tiếp có thể làm cung tiền tăng lên tới 500 - 600.000 tỷ đồng.
Ngay cả khi dự báo tỷ lệ đầu tư công chỉ đạt khoảng 70 – 80% thì con số thực hiện cũng tăng gần gấp rưỡi so với con số thực hiện của năm 2022. Nghĩa là với những hành động mà chúng ta đang thấy từ thực hiện của năm 2022, cộng với kế hoạch đề ra và những chính sách đưa ra ngay đầu năm, thì năm 2023 sẽ là năm đặc biệt của giải ngân đầu tư công từ kế hoạch cho đến thực thi.
Do đó, chúng ta hoàn toàn có sự kỳ vọng vào đầu tư công, đây cũng là chìa khóa chính để đạt được mục tiêu của Chính phủ, còn nếu phụ thuộc vào sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu sẽ là rất khó.
>>Khơi thông thị trường vốn 2023: Chờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tiền tệ
Thứ hai, trong thời gian năm 2022 vấn đề được nhắc đến khá là nhiều đó là lạm phát thì mục tiêu lạm phát cho năm 2023 khá đặc biệt. Có thể người dân không cảm nhận thấy điều này, nhưng khi các cơ quan quản lý thay đổi mục tiêu lạm phát chứng tỏ phải có tiền đề cho rằng năm 2023 sẽ có những yếu tố tác động, nên mới đặt mục tiêu cao hơn là 4,5%, chưa kể các tổ chức cũng dự phóng năm 2023 là năm khá khó khăn với lạm phát Việt Nam.
Tổ chức tích cực nhất dự phóng con số khoảng 3,2%, còn tổ chức tiêu cực nhất là 5,5% và mức trung bình từ các dự phóng là khoảng 4%. Tôi cho rằng, năm 2023 cơ quan nhà nước đã thể hiện sự thận trọng khi nhấc mục tiêu lạm phát lên và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP không cao.
Nhìn lại năm 2022, chu kỳ tăng giá của năm 2022 chia làm hai đợt gồm đợt thứ nhất là vào tháng 2-3 đến từ áp lực giá xăng dầu và giá nhà ở, còn đặt thứ hai là tháng 7-8 đến từ giáo dục và nhà ở. Thì đến năm 2023 áp lực lạm phát sẽ đến từ giá thực phẩm do người Việt càng ngày càng có xu hướng ăn ở bên ngoài nhiều và bán hàng thì cần mặt bằng, trong khi mặt bằng cho thuê nhà trong năm 2022 đã tăng rất cao nhưng chưa kịp thẩm thấu vàogiá thực phẩm. Chính vì vậy từ năm 2023 chi phí này sẽ được phản ánh rõ nét hơn.
Thứ ba, là về tỷ giá, năm 2022 là năm tỷ giá biến động mạnh. Việt Nam đã phải giảm mất gần 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối (chiếm khoảng 25%) để hỗ trợ ổn định tỷ giá. Tuy nhiên cán cân tổng thể của chúng ta chảy ròng ra nước ngoài chỉ khoảng 25 tỷ USD, nghĩa là vẫn có khoản đầu cơ bên trong hệ thống từ 5 đến gần 10 tỷ USD.
Các vấn đề như FDI, xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng, mà sự ảnh hưởng nhiều nhất đến từ yếu tố FII (dòng vốn đầu tư khác, lỗ và sai sót) đều là những dòng vốn đầu cơ cao, khá nhạy với biến động về tỷ giá với lãi suất. Nếu để ý sẽ thấy, các tài sản tài chính trong năm 2023 như bất động sản, chứng khoán, các công ty M&A đều sẽ về mức giá hấp dẫn. Vì vậy có thể nói năm 2023 sẽ là năm có sự đảo ngược trong dòng vốn.
Ngoài ra, chúng ta bị thâm hụt dịch vụ mỗi quý khoảng chừng – 4 tỷ USD bởi vì không thể mở cửa du lịch, nhưng năm 2023, Trung Quốc mở cửa kết hợp với các yếu tố khác thì Việt Nam chỉ còn khoảng -1 đến -2 tỷ USD nghĩa là dương so với năm 2022.
Song, có một điểm đáng chú ý đó là dòng vốn nóng đang tác động rất mạnh, điều này đã diễn ra vào năm 2008 – 2009 sau đó đảo ngược vào gia đoạn 2011-2013 và điều đó có thể sẽ diễn ra vào năm 2023-2024.
Thực tế chúng ta chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi những khó khăn từ hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, vì những khó khăn đó mới chỉ ở 3-4 tháng gần đây, nên nó sẽ kéo dài sang năm nay và người dân bắt đầu cảm nhận được rõ hơn, dẫn đến thắt chặt chi tiêu hơn.
Nhìn tất cả các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và ổn định tỷ giá sẽ thấy, tất cả đều ngược so với năm 2022, do vậy chính sách cũng sẽ đảo ngược. Đầu tiên là chính sách tiền tệ mở rộng ở mức vừa phải, nên không thể kỳ vọng việc bơm tiền ào ạt như giai đoạn năm 2018-2020, nhưng chúng ta có thể kỳ vọng là chính sách không thắt chặt nữa.
Còn về tài khóa, chính sách thuế sẽ thu hẹp nhẹ. Đặc thù của chính sách tài khóa là vẫn có thể bơm tiền được, ví dụ như đầu tư công, nếu giải ngân được thì sẽ trực tiếp bơm tiền ra nền kinh tế, làm cho nền kinh tế vận hành nhiều hơn mà thuế không làm được điều đó. Giống như hành động hiện nay, thuế VAT không còn giữ ở mức 8% và thuế xăng dầu cũng đã tăng lên.
Tổng thể nhìn lại, năm 2023 sẽ là một chính sách mở rộng cả về tiền tệ và tài khóa, từ đó cung tiền sẽ được hưởng lợi nhiều.
Có thể bạn quan tâm
15:50, 30/12/2022
11:03, 02/01/2023
19:08, 27/12/2022
03:03, 24/12/2022