Theo các doanh nghiệp, mấu chốt của ngành du lịch trong thu hút khách quốc tế vẫn là vấn đề visa.
>>Du lịch Việt Nam - Góc nhìn thẳng
Để thu hút khách du lịch quốc tế, các doanh nghiệp đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), đã kiến nghị Chính phủ bãi bỏ yêu cầu về visa đối với đa số các nước, đồng thời kéo dài thời gian miễn visa lên từ 30 đến 45 ngày để đẩy nhanh đà phục hồi của ngành du lịch.
Theo trang VisaGuide.World ngày 20/12/2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam hiện chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Singapore, Malaysia hay Campuchia đạt tỷ lệ từ 26 đến 31%.
Con số mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đã không đạt được trong khi các nước bạn là Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch.
Trong năm 2022, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt, vẫn còn thấp hơn con số mục tiêu 1,5 triệu lượt khách. Trong khi đó, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt trên 101,3 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Ngành du lịch Việt Nam hiện nay vẫn đang dựa vào lượng khách nội địa để duy trì hoạt động và từng bước phục hồi. Đối với các thị trường quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực xúc tiến, quảng bá tại các thị trường quen thuộc cũng như thị trường mới để có thể “kéo” khách đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ.
Theo bà Trần Mỹ Quyên, Điều hành Công ty TNHH MTV Hành Hương Việt, sau hai năm dịch bệnh, khách du lịch đều muốn ra khỏi nhà để đi chơi, và doanh nghiệp đã chuẩn bị chu đáo công tác đón tiếp. Tuy nhiên vấn đề hiện nay doanh nghiệp vẫn chờ là thống nhất thời hạn visa, để khách du lịch quốc tế có thể thoải mái tham quan, nghỉ dưỡng.
Tương tự, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event cho biết hiện tại, các thị trường xa chưa thể quay trở lại, doanh nghiệp có thể đặt kỳ vọng vào nguồn khách nội địa cũng như các nước tại khu vực châu Á. Công ty cũng đã dàn trải rất nhiều “mặt trận” sản phẩm về tour hàng ngày, tour ghép, tour xe đạp, leo núi, khám phá, camping, du lịch cộng đồng,... tại Huế, Hội An, Đà Nẵng. Chỉ cần khách du lịch quốc tế quay trở lại thì các sản phẩm này sẽ được sử dụng ngay.
>>Vì sao Việt Nam "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế?
Theo các doanh nghiệp, mấu chốt của ngành du lịch trong thu hút khách quốc tế vẫn là vấn đề visa. Hiện giờ, Việt Nam đã miễn visa đối với công dân của 24 quốc gia cho thời hạn lưu trú từ 15 đến 30 ngày, đồng thời đã áp dụng cấp visa điện tử thời hạn một tháng cho một lần nhập cảnh duy nhất đối với công dân từ 80 quốc gia khác.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực quy định như vậy vẫn không đủ sức cạnh tranh. Bởi nhiều nước cạnh tranh bằng chính sách miễn visa như Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan 65 nước còn Việt Nam mới miễn 24 nước. Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày.
Việc miễn thị thực 15 ngày mà Việt Nam đang áp dụng với phần lớn khách quốc tế khiến họ không đủ thời gian để du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng. Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Santa Sea Villa Hội An kiến nghị các cơ quan liên quan cần có chính sách thông thoáng hơn vấn đề visa. Nếu tăng thời gian lưu trú của khách khi đến với Việt Nam sẽ gia tăng nguồn thu và tạo sự hấp dẫn cho ngành du lịch.
“Du lịch đang dần phục hồi, và doanh nghiệp cũng đã “lên kệ” sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, chính sách visa cần sớm được thông qua để có thêm điều kiện “kéo” khách đến Việt Nam”, ông Việt kiến nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Việt Nam thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế… việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.
Có thể bạn quan tâm