Nới lỏng visa để “kéo” khách quốc tế đến Việt Nam

TUẤN VỸ 28/12/2022 00:24

Đó là ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch Kết nối điểm đến toàn cầu” do Bộ VH-TT&DL tổ chức mới đây tại Đà Nẵng.

>>Vượt “cơn gió ngược” 2023

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL thông tin ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7%/năm giai đoạn 2015-2019, đóng góp trên 9,2% vào GDP và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn ngành đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa.

“Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021, hoạt động du lịch nội địa bị gián đoạn qua bốn lần dịch bùng phát. Đại dịch COVID-19 trong suốt thời gian vừa qua đã gây thiệt hại vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch, để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng, cần phải có sự nỗ lực lớn cùng các giải pháp thiết thực để khắc phục, từng bước ổn định và phát triển”, bà Thủy nói.

a

Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch Kết nối điểm đến toàn cầu” do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Đà Nẵng. (Ảnh: Tuấn Vỹ).

Năm 2022, bà Thủy cho hay thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, khi 11 tháng của năm đón 2,9 triệu khách (tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19). 

“Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch đặt ra năm 2022 và bằng 66% so năm 2019. Tại Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vừa diễn ra ngày 21/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ Mặc dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm, trong đó có mở cửa du lịch…là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có "điểm nghẽn”, bà Thủy nhắc lại.

a

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhìn nhận lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế (Ảnh: Tuấn Vỹ).

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin trong năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đến Đà Nẵng đạt ước đạt 3,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 483 ngàn lượt. Bà Yến cho biết, hiện có 23 đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 15 đường bay quốc tế trực tiếp được khôi phục và khai thác mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong với gần 4600 chuyến, trung bình 19 chuyến/ngày.

“Có thể nói hàng không chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp các điểm đến trở nên gần hơn, thuận lợi hơn với cộng đồng trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại và gia tăng lượng khách du lịch tới các điểm đến. Nhờ vào sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không trong việc xúc tiến các đường bay quốc tế mới, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt qua từng năm, và các hoạt động giao thương diễn ra sôi nổi, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp các nước”, bà Ngô Thị Kim Yến chia sẻ.

a

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin hiện có 23 đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 15 đường bay quốc tế trực tiếp được khôi phục và khai thác mới (Ảnh: Tuấn Vỹ).

Ông Bùi Minh Đăng, Phó phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho hay ngay sau khi Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022 và tiếp đó là khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022, các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không nước ngoài đã từng bước khôi phục hoạt động khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam. Theo ông Đăng, dự báo năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019.

“Trong năm 2022, do các quốc gia áp dụng các hạn chế đi lại để phòng chống dịch COVID-19 ở các mức độ khác nhau và các hạn chế này được dỡ bỏ ở các giai đoạn khác nhau nên du lịch quốc tế cũng bị hạn chế. Đối với Việt Nam, lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch (bao gồm cả khách vào-in bound và khách ra-out bound), nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn thấp”, ông Đăng cho biết.

Để khôi phục các hoạt động, ông Bùi Minh Đăng đề xuất Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng (tăng thời hạn lưu trú và mở rộng phạm vi các quốc gia được miễn visa nhập cảnh Việt Nam). Đồng thời, xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như bay taxi, bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân (private flight) cho các nhóm khách du lịch có khả năng chi trả cao…

a

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch đề xuất du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển về sản phẩm, xúc tiến (Ảnh: Tuấn Vỹ).

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế của Việt Nam chưa được như kỳ vọng là vì thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế, xung đột Nga - Ucraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam. Cùng với đó, chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc theo đuổi chính sách ‘‘không COVID’’.

Du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải-hàng không, đường bộ, quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch, chính sách an sinh xã hội, tín dụng và các chính sách giảm giá điện, đất…, Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn bàn tỉnh, thành phố.

“Để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn. Thời gian tới, du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển về sản phẩm, xúc tiến,...”, ông Nguyễn Trùng Khánh đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch biển đảo cần động lực mới

    Du lịch biển đảo cần động lực mới

    03:00, 27/12/2022

  • Du lịch Việt Nam - Góc nhìn thẳng

    Du lịch Việt Nam - Góc nhìn thẳng

    04:00, 26/12/2022

  • Vực dậy ngành du lịch - Cần hành động quyết liệt

    Vực dậy ngành du lịch - Cần hành động quyết liệt

    04:00, 24/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nới lỏng visa để “kéo” khách quốc tế đến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO