Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về hóa đơn, chứng từ còn thiếu phù hợp

ANH KHÔI 11/11/2023 03:00

Góp ý Dự thảo Nghị định về hóa đơn, chứng từ, VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, một số quy định được đề xuất còn thiếu phù hợp, gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp…

>> Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 9206/BTC-TCT ngày 29/8/2023 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (Dự thảo).

VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 9206/BTC-TCT ngày 29/8/2023 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ - Ảnh minh họa: ITN

VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ - Ảnh minh họa: ITN

Tại văn bản góp ý, VCCI cho biết, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 4.1 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp phải lập hóa đơn thuế trong các trường hợp sau đây: tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ; xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa, tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp.

Cụ thể, khi thực hiện các hoạt động trên, doanh nghiệp đã phải thực hiện thủ tục hải quan và xuất hóa đơn thương mại theo đúng quy định. Hoạt động này đã được kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ quan hải quan theo quy định pháp luật hải quan. Đồng thời, hoạt động này không phải là hoạt động bán hàng, dịch vụ, không nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, doanh thu tại thị trường Việt Nam mà chỉ nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Khi đó, yêu cầu phải xuất thêm hóa đơn thuế nội địa sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm nhân lực của doanh nghiệp.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này”, VCCI góp ý.

>> Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết rút ngắn thời gian điều chỉnh giá?

theo phản ánh của doanh nghiệp, một số quy định được đề xuất còn thiếu phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Theo phản ánh của doanh nghiệp, một số quy định được đề xuất trong Dự thảo còn thiếu phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, về thời điểm lập hóa đơn với hàng hóa xuất khẩu, Điều 1.5.a Dự thảo (sửa đổi Điều 9.1 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) quy định thời điểm lập hóa đơn với trường hợp xuất khẩu hàng hóa là không quá 24h kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định cứng thời điểm lập hóa đơn sẽ gây khó khăn cho các bộ phận xuất hóa đơn của doanh nghiệp do thời gian có thể không trùng với giờ làm việc hành chính, gây áp lực về mặt vật lý trong triển khai thực tế. Ngoài ra, quy định này cũng chưa phù hợp với các doanh nghiệp ưu tiên, đối tác của doanh nghiệp ưu tiên do pháp luật hải quan cho phép các doanh nghiệp này được hoàn thành thủ tục hải quan sau 30 ngày kể từ lúc xuất, nhập khẩu hàng hóa. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng: quy định thời hạn là 01 ngày kể từ hoàn thành thủ tục; bổ sung ngoại lệ cho doanh nghiệp ưu tiên.

“Góp ý tương tự về thời hạn 24h với thời điểm ký số tại Điều 1.6.d Dự thảo (sửa đổi Điều 10.9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP)”, VCCI cho hay.

Góp ý quy định về xuất hóa đơn theo ngày với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, theo VCCI, Điều 1.5.b Dự thảo đã bỏ quy định tại Điều 9.4.g Nghị định 123/2020/NĐ-CP, đồng nghĩa với việc các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống không được xuất hóa đơn cuối ngày mà phải xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này sẽ tăng chi phí rất nhiều cho doanh nhiệp trong việc đầu tư ban đầu, duy trì hệ thống, lưu trữ dữ liệu. Việc này sẽ tạo áp lực lớn cho ngành kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chuỗi.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này, trong đó có việc đánh giá tác động kỹ lưỡng về mặt chi phí lợi ích của quy định này”, VCCI góp ý.

Cũng liên quan đến Điều 1.5.b Dự thảo (sửa đổi Điều 9.4 Nghi định 123/2020/NĐ-CP) quy định việc lập hóa đơn với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền.

VCCI cho rằng, việc quy định gửi dữ liệu hóa đơn taxi về cơ quan thuế sau mỗi chuyến đi, theo phản ánh của doanh nghiệp, có thể dẫn đến một số khó khăn trong quá trình thực hiện thực tế, ví dụ như chi phí nâng cấp phần mềm của các hãng taxi tăng lên, tài xế taxi quên/gặp khó khăn về thao tác thực hiện dẫn đến tắc đường…). Khi đó, doanh nghiệp có thể bị phạt do chuyển dữ liệu sai thời điểm.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định trên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Cùng với các góp ý đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Mã số định danh người mua trên hóa đơn (Điều 1.6.c Dự thảo sửa đổi Điều 10.5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP); Hóa đơn chiết khấu thương mại (Điều 1.6.c Dự thảo sửa đổi Điều 10.6.đ Nghị định 123/2020/NĐ-CP); Xử lý hóa đơn điện tử trong trường hợp trả lại hàng hóa (Điều 1.13 Dự thảo sửa đổi Điều 19.6.d Nghị định 123/2020/NĐ-CP).

Có thể bạn quan tâm

  • Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó

    Bán xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó

    03:30, 07/11/2023

  • Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài cuối – Giải pháp nào ngăn chặn?

    Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài cuối – Giải pháp nào ngăn chặn?

    03:30, 18/10/2023

  • Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 3 – “Lợi” trước mắt, “hại” lâu dài

    Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 3 – “Lợi” trước mắt, “hại” lâu dài

    03:30, 17/10/2023

  • Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 2 – Vì sao công ty “ma” hoành hành?

    Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 2 – Vì sao công ty “ma” hoành hành?

    03:30, 16/10/2023

  • Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 1 – Doanh nghiệp “ma” vươn “vòi bạch tuộc”

    Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 1 – Doanh nghiệp “ma” vươn “vòi bạch tuộc”

    03:20, 15/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về hóa đơn, chứng từ còn thiếu phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO