Tình trạng mua bán hóa đơn VAT vẫn diễn biến phức tạp, ngân sách nhà nước đang thất thu một khoản “khổng lồ”, chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải “bịt” hết “kẽ hở” để chặn đứng vấn nạn này…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong loạt bài “Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn”, thời gian qua, tình trạng những công ty “ma” đang vươn “vòi bạch tuộc” khắp các tỉnh thành để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi bất chính. Đáng chú ý trong đó là vấn nạn mua bán hóa đơn trái phép, dù nhiều đường dây “khủng” liên tiếp bị triệt phá, hàng loạt đối tượng đã phải trả giá với bản án thích đáng, vậy nhưng tình trạng buôn bán hóa đơn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn nở rộ trong những năm gần đây gây nhức nhối cho xã hội.
>>Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 3 – “Lợi” trước mắt, “hại” lâu dài
Đủ chiêu “né” cơ quan quản lý
Còn nhớ khi triển khai hoá đơn điện tử, ngành Thuế kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp, vì tất cả các giao dịch đều được lưu vết ở cơ quan thuế và cơ quan thuế sẽ sử dụng các giải pháp điện tử như phân tích xu thế, dữ liệu "big data" hay AI để phát hiện các sai phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, sau hơn một năm triển khai, việc gian lận hóa đơn điện tử vẫn diễn ra khá phổ biến. Không chỉ hoạt động lén lút mà hoạt động này còn diễn ra công khai trên mạng xã hội.
Xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm đăng ký mới và thay đổi thông tin, rất thuận lợi; hệ thống đăng ký kinh doanh lại chưa tự động kiểm soát dữ liệu nên xảy ra nhiều trường hợp có dấu hiệu sử dụng giấy tờ pháp lý của cá nhân không phù hợp khi đăng ký doanh nghiệp; kê khai thông tin đăng ký doanh nghiệp không chính xác; cá nhân đăng ký nhiều doanh nghiệp, sau đó bỏ địa điểm kinh doanh để thành lập doanh nghiệp khác với mục đích mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Cũng theo bà Hải, các doanh nghiệp thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, khoảng 1 - 2 năm, sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để tránh bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
“Khi cơ quan thuế nghi ngờ đưa vào thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp đã làm thủ tục tạm ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh”, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế chia sẻ.
Ngoài ra, bà Hải còn cho biết, để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh; cá nhân sinh sống ở địa bàn này hoặc có địa điểm kinh doanh ở địa bàn này nhưng trụ sở chính của doanh nghiệp ở các địa bàn khác nơi sinh sống, kinh doanh; địa điểm kinh doanh không có thật hoặc hợp đồng thuê nhà giả mạo để đăng ký địa điểm kinh doanh; cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế chưa có thông tin kiểm soát địa điểm kinh doanh có đúng địa chỉ đăng ký hay không…
>>Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 2 – Vì sao công ty “ma” hoành hành?
Cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng
Chia sẻ về giải pháp để chặn đứng vấn nạn này, bà Lê Thị Duyên Hải cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng như công an, hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Giải pháp cấp thiết là phải siết chặt lại quy định thành lập doanh nghiệp mới; kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp; cần đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ thông tin định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp; bổ sung phiếu lý lịch tư pháp vào thành phần hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của các cá nhân tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp để phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp”, bà Hải nói.
Đồng quan điểm, chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Thuận - Công ty Luật TNHH Nghiệp Thành khuyến cáo, lãnh đạo doanh nghiệp không nên thỏa hiệp với việc mua hóa đơn bất hợp pháp để khấu trừ thuế bởi lẽ sẽ tạo ra thông lệ cho sự gian dối ở cấp dưới.
“Các vụ việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp như cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra và cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra làm rõ. Như vậy, doanh nghiệp vừa mất tiền mua hóa đơn vừa bị truy thu, xử phạt thuế, tiền chậm nộp… mức thiệt hại lớn gấp nhiều so với số tiền tưởng là trốn được thuế. Đó là chưa kể nếu số tiền trốn thuế lớn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Nguyễn Ngọc Thuận chia sẻ.
>>Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 1 – Doanh nghiệp “ma” vươn “vòi bạch tuộc”
Đáng chú ý theo vị luật sư này, các đối tượng mua bán hóa đơn chuyên nghiệp có số tiền lớn để thanh toán qua ngân hàng thường dùng CMND-CCCD của người khác để đăng ký thành lập công ty. Hiện nay Chính phủ đã triển khai số hóa quản lý dữ liệu thông tin cá nhân như các số điện thoại phải do chính chủ đăng ký bằng CCCD, chụp ảnh và đồng bộ dữ liệu đăng ký với các cơ quan khác.
“Do đó, tôi đề xuất ngay khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, mua bán công ty, thay đổi người đại diện pháp luật hay đăng ký phát hành hóa đơn thì hệ thống đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo đến các số điện thoại đã được đăng ký của người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp không thực hiện việc nêu trên, “chính chủ” có thể dùng số tổng đài để phản ánh. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tạm thời ngăn chặn và nhanh chóng kiểm tra xác minh thông tin được phản ánh”, luật sư Thuận chia sẻ.
Do vậy, vị luật sư cho rằng, nhà nước cần công khai số đường dây nóng để khi phát hiện mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thì mọi người phản ánh, kịp thời xử lý tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Có thể bạn quan tâm