Để hiện thực mục tiêu 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thông minh thị trường-giống-nông dược-chính sách...
>>>Một triệu héc ta lúa chất lượng cao (kỳ I): Để liên kết lớn không còn… “chậm lớn”
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ tin tưởng đề án một triệu héc ta lúa chất lượng cao tại vùng ĐBSCL để phục vụ xuất khẩu sẽ thành công nếu được thực hiện cùng đồng hành với doanh nghiệp.
Đồng thời, sẽ tạo ra sự đột phá có tính bước ngoặt cho nền kinh tế lúa gạo của vùng ĐBSCL. Từ đó, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống người nông dân trồng lúa, phát triển thịnh vượng nông thôn vùng ĐBSCL, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
-Tuy nhiên, sẽ có những khó khăn và thách thức nào khi triển khai dự án, thưa ông?
Theo “Cục quản lý tài nguyên nước” trong vòng 50 năm tới, diện tích bị xâm nhiễm mặn 4 phần ngàn sẽ chiếm 47% diện tích ĐBSCL, diện tích bị nhiễm mặn trên 1 phần ngàn sẽ chiếm 64%. Diện tích đất bị nhiễm mặn ở ĐBSCL biến động khoảng 600-700 nghìn ha/năm; trong đó diện tích bị nhiễm mặn cực trọng khoảng 100.000 ha; nhưng năm nay diện tích đang bị thiệt hại đến 160.000 ha trên những trà lúa đông xuân muộn hoặc xuân hè. Điều này đã được Cục Trồng Trọt, Bộ NN&PTNT cảnh báo từ trước, đặc biệt là vụ xuân hè.
Nông nghiệp ĐBSCL thuộc nền văn minh lúa nước, là một nền nông nghiệp sử dụng rất nhiều nước. Nếu Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao được triển khai thực hiện theo kiểu khai thác nguồn lợi thiên nhiên, chúng ta sẽ gặp phải thách thức là không có đủ tài nguyên nước ngọt phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai. An ninh lương thực là chiến lược mang tính quốc gia và quốc tế với nội hàm “lương thực, thực phẩm” rất rộng.
Bên cạnh đó, khi xây dựng, lập Đề án cần quan tâm một số vấn đề có tính quyết định sự thành công đó là: năng lực của doanh nghiệp về hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; năng lực nghiên cứu (các yếu tố đầu vào) và hợp tác trong, ngoài nước của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; năng lực tham gia thị trường (đầu ra) của nông sản; năng lực tổ chức sản xuất, kết nối các nguồn lực (nguồn lực về vốn) đảm bảo sản xuất với quy mô lớn. Thị trường đầu ra cần gì đối với lúa chất lượng cao.
-Bên cạnh đó, nhiều ý kiến quan ngại “Dự án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao” sẽ đi theo vết xe đổ của mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, theo đó không phát huy hiệu quả do những trở ngại về liên kết và áp lực doanh nghiệp, quan điểm của ông như thế nào?
Áp lực đối với doanh nghiệp thực sự là rất lớn trong khâu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Qua thực tế hơn 8 năm triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là với các nghiên cứu của Nguyễn Văn Sánh và cộng sự (2018), cho thấy các thách thức khi thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, cụ thể sau:
Thách thức từ chính sách Nhà nước, trong đó thể hiện chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp còn yếu, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nên dẫn đến việc không tuân thủ quy hoạch, sản xuất manh mún, tự phát; các chương trình, đề án, dự án có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn trong khi đó nguồn vốn ngân sách bố trí thì có giới hạn và việc lồng ghép giữa các chương trình này còn hạn chế, thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu, chưa đáp ứng đầy đủ cho yêu cầu sản xuất và đời sống người dân; chưa có cơ chế, chính sách phối hợp hiệu quả trong mối liên kết 4 nhà để giải quyết các khó khăn và tồn tại nêu trên.
Thách thức từ bối cảnh lịch sử phát các ngành hàng chủ lực: thể hiện qua sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán, đã gây khó khăn cho quá trình cơ giới hóa nông nghiệp và hiệu quả sản xuất theo quy mô canh tác; tình hình diễn biến BĐKH (thiên tai, xâm nhập mặn…), dịch bệnh ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
Thách thức từ mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong mối liên kết 4 nhà thể hiện qua việc khó tạo ra dòng sản phẩm cạnh tranh trên thị trường và nâng cấp chuỗi giá trị, vì nông dân sử dụng nhiều loại giống khác nhau và sử dụng quá mức nông dược đã làm cho môi trường nước bị ô nhiễm và chất lượng sản phẩm không đạt theo yêu cầu của thị trường, làm cho giá cả bấp bênh; năng lực doanh nghiệp trong việc cạnh tranh thị trường và nâng cấp chuỗi giá trị còn nhiều khó khăn; năng lực sản xuất nông dân vẫn còn sản xuất theo kinh nghiệm là chính, chưa tiếp cận được theo hướng sản xuất thị trường.
Do vậy, trong bối cảnh sản xuất hiện nay, với năng lực nông dân và doanh nghiệp hiện tại, các chính sách ban hành không theo hướng thị trường thì rất khó để phát triển bền vững, lâu dài các mô hình liên kết nông nghiệp dựa trên 3 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Đặc biệt phải chuyển đổi tư duy sản xuất lúa, theo hướng an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là sản xuất lúa, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
>>>Đề xuất phát triển dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ĐBSCL
>>>Chiến lược giá cho lúa gạo
-Vậy làm sao đảm bảo được mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân vượt qua những thách thức nói trên để hiện thực hoá mục tiêu 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao cho xuất khẩu vừa được Chính Phủ giao, thưa ông?
Để đảm bảo được mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong thực hiện hóa mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, thông minh thị trường, tức trong sản xuất hướng phải hướng đến thị trường, trong đó tiếp cận theo hướng cấu trúc thị trường, thực hiện thị trường và đánh giá hiệu quả và xây dựng thương hiệu. Đối với tiếp cận theo cấu trúc thị trường, cần chú ý đến thị trường tiềm năng về nhu cầu lúa gạo của thế giới. Sản phẩm tạo ra là sản phẩm sinh học, qua việc ứng dụng kỹ thuật “1 phải 6 giảm” trong sản xuất lúa gạo.
Đồng thời tiếp cận theo sự cam kết của Nhà nước trong chính sách đã đồng thuận của Việt Nam trong COP21 và quyết định 1819/TTg về tái cơ cấu nông nghiệp. Đối với việc thực hiện thị trường, cần tập trung nguồn lực để nâng cấp toàn chuỗi giá trị lúa gạo trong mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL, trong đó chú ý đến nối liên kết ngang giữa nông dân và doanh nghiệp. Đối với đánh giá hiệu quả thị trường và xây dựng thương hiệu phải đạt 4 chuẩn đúng về sản phẩm lúa gạo chất lượng phải đồng nhất, lượng phải đủ, thời điểm và giá thành sản phẩm.
Thứ hai, thông minh về giống. Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 2.000 giống lúa cổ truyền, đây là nguồn gen quý để phát triển ra các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng và đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt thích nghi tốt với từng điều kiện canh tác của vùng và với bối cảnh biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần chú ý đến nâng cao năng lực chế biến và các giá trị tăng thêm trong ngành hàng lúa gạo, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là nông dân trong vùng.
Thứ ba, thông minh về sử dụng nông dược. Theo số liệu thống kê, ở ĐBSCL có hơn 10.000 đại lý vật tư nông nghiệp kinh doanh hơn 13.000 nhãn mác phân bón, thuốc trừ sâu. Vì vậy, hàng năm nông dân trồng lúa đã sử hơn 10 triệu tấn phân, thuốc. Các nhà khoa học cảnh báo nông dân trồng lúa đã sử dụng quá mức lượng phân, thuốc này theo khuyến cáo. Từ đó, đã làm thất thoát, dư thừa lượng nông dược này vào đồng ruộng ở vùng ĐBSCL.
Do vậy việc quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nông dược này vào đồng ruộng 1 cách khoa học, theo hướng giảm lượng đầu vào mà đảm bảo năng suất, hiệu quả chi phí và lợi nhuận cuối cùng cho nông dân đạt cao nhất, đặc biệt là sản phẩm tạo ra phải sạch và xanh đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu là các vấn đề cần được quan tâm và hỗ trợ phát triển.
Thứ tư, thông minh về quản lý và tiết kiệm nước trong thích nghi với biến đổi khí hậu. Thực hiện giải pháp này thông qua việc ứng dụng các kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ, đồng thời kết hợp với việc quản lý dinh dưỡng và khí thải trong sản xuất lúa trong tương lai là giải pháp tốt giúp vùng thích nghi với BĐKH.
Thứ năm, thông minh về tổ chức sản xuất và tham gia cộng đồng. Hiện nay, trong canh tác lúa, việc tổ chức sản xuất theo quy mô cũng như tham gia của cộng đồng đóng vai trò then chốt trong khâu tìm kiếm thị trường và kết nối thị trường. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế.
Do vậy, trong nhóm giải pháp này, cần hướng đến việc tích lũy ruộng đất với nhiều hình thức khác nhau để nâng cao khả năng sản xuất cho nông dân, chất lượng và giảm chi phí trong chuỗi giá trị nông sản nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn với sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Thứ sáu, thông minh chính sách. Trong đó, cần quan tâm đến chính sách theo hướng hỗ trợ phát triển xanh về lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và cạnh tranh thị trường tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường và xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, cần chú trọng đến việc lồng ghép các chính sách để tạo động lực, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển bền vững mô hình liên kết nông nghiệp của vùng. Các chính sách quan tâm hiện nay là tái cơ cấu nông nghiệp; chính sách thí điểm liên kết vùng phát triển KTXH ĐBSCL; đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL và mô hình liên kết nông nghiệp bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
04:20, 11/07/2022
09:45, 21/06/2022
04:00, 15/06/2022