Mùa khai giảng cũng là “mùa đóng góp”?

Sông Hàn 04/09/2018 06:37

Việc cần làm ngay là giải bài toán liên quan đến vấn đề “lạm thu” đầu năm học đang diễn ra khá tinh vi, bất cập ở nhiều địa phương, trên từng cấp học.

Những ngày đầu tháng 9, hàng vạn học sinh các bậc học trên cả nước nô nức, phấn khởi chào đón mùa tựu trường với những hy vọng về năm học mới đạt được nhiều thành tích học tập tốt, hướng đến những điều mà các em chưa đạt được trong năm vừa rồi… Tuy nhiên, những bậc cha mẹ của các em như mọi năm lại canh cánh nỗi lo về các cuộc họp phụ huynh, buổi họp mà họ sẽ được nhận được thông báo học tập thì ít, thông báo học phí thì nhiều.

Trường Tiểu học thị trấn Phong Thổ, nơi bị tố lạm thu.

Trường Tiểu học thị trấn Phong Thổ, nơi bị tố lạm thu.

Mới đây, người dân thị trấn Phong Thổ - huyện Phong Thổ - tỉnh Lai Châu đang hết sức bức xúc khi điều kiện kinh tế của họ còn rất thiếu thốn, khó khăn thì lại phải nộp quá nhiều khoản thu khi con em bước vào năm học mới 2018-2019.

Theo đó, mỗi học sinh ở Trường Tiểu học thị trấn Phong Thổ phải đóng góp từ 900.000 đến trên 1.000.000 đồng tùy theo lớp, với các khoản thu như: Quỹ hội phụ huynh; Quỹ xã hội hóa; Quỹ lớp; Quỹ trường; Tiền thuê vệ sinh; Tiền hỗ trợ nấu ăn; Tiền trực trưa..v..v. Thậm chí còn có cả khoản đóng góp "in logo lên vở viết" để khẳng định thương hiệu của trường, vì các em học sinh ở trường viết chữ rất đẹp.

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục thiếu “tranh luận”

    05:14, 16/08/2018

  • Khi doanh nghiệp “lấn sân” giáo dục

    17:09, 11/08/2018

  • Thi, điểm và vòng luẩn quẩn của giáo dục

    11:11, 11/08/2018

  • Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

    06:21, 19/07/2018

  • Xin hãy trả lại sự trung thực cho giáo dục!

    11:34, 18/07/2018

  • Nâng điểm và con đường đến rối ren giáo dục

    05:00, 18/07/2018

  • Trẻ em, mì gói và những đề án giáo dục ngàn tỷ

    12:10, 08/07/2018

Nhìn chung, những khoản mà các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Phong Thổ nói riêng  phải đóng cũng là chuyện của hàng vạn học sinh trên khắp nơi trên cả nước nói chung phải “chịu trận” trong bối cảnh lạm thu trong nhà trường diễn biến ngày càng phức tạp.

Mấu chốt ở đây đó chính là nhiều loại “phí” này không do Bộ quy định, mà nhà trường hoàn toàn tự chủ. Cũng chính vì cái gọi là “tự chủ” mà nhiều trường phải tự “bươn chải”, tự cân đối thu chi nên đôi khi họ chấp nhận làm sai nguyên tắc. “Chúng tôi đang thu sai. Nhưng vì thu đúng thì chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ” – Một vị Hiệu trưởng cấp 2 tại Hà Nội trần tình.

Vấn đề ở chỗ, chẳng lẽ, những cá nhân, đơn vị nhà trường chủ trì các khoản thu đó không biết những khoản đóng góp theo kiểu “tự chủ” đó đã dần biến trường học ngoài chức năng đào tạo thì còn là một Trung tâm cung cấp các dịch vụ thiết yếu với mức giá cao hơn so với giá thị trường?

Ngày xưa, “trường xa chợ”, bây giờ “trường thành chợ” là câu nói vui nhưng cũng ám chỉ đầy chua xót khi nói về một môi trường giáo dục mà cung cấp tất cả các loại dịch vụ cần thiết và các khoản thu tự nguyện vô lý. Các khoản đóng góp luôn khoác danh nghĩa “tự nguyện” có thể đóng hoặc không và tùy hoàn cảnh mà chênh lệch mức đóng góp. Nhưng phần lớn đều được ấn định một mức tối thiểu buộc người ta phải theo. 

Mỗi thứ một ít, nhưng gộp lại sẽ là tiền trăm, tiền triệu. Chừng ấy không là gì đối với các gia đình khá giả nhưng sẽ là gánh nặng cho những hoàn cảnh khó khăn. Có người phải bớt những khoản chi trong gia đình, có người phải bán tháo thóc lúa, đậu đỗ và có người đã phải vay mượn để nộp đủ cho con đến trường..v..v.

Mặt bằng tài chính xã hội, hay trong một lớp học tất nhiên là không thể đồng đều được. Chắc sẽ có những phụ huynh rất khá, rất giàu, nhưng cũng chắc chắn là phần đông phụ huynh (nhất là ở nông thôn, miền núi…) đang khó khăn bội phần. Và ai cũng biết bây giờ khác xưa, tức là các cháu cần điều kiện tốt hơn để học tập, ăn, ngủ… tại trường lớp nên phụ huynh phải cố gắng.

Thế nhưng, công việc đầu năm của ngành giáo dục không phải “báo cáo thành tích” cho phụ huynh nghe. Mà việc cần làm ngay là giải bài toán liên quan đến vấn đề “lạm thu” đầu năm học đang diễn ra khá tinh vi, bất cập ở nhiều địa phương, trên từng cấp học.

Ngành giáo dục phải giải quyết cho xong cái sự hoài nghi của dư luận, rằng: Liệu môi trường giáo dục của chúng ta đã biến thành một môi trường kinh doanh, nhằm trục lợi cho một số cá nhân trong ngành giáo dục, mà cha mẹ học sinh là những miếng mồi ngon của họ?

Phải làm sao để triệt tiêu được nỗi sợ đã và đang hình thành trong phụ huynh các em: Mùa khai giảng cũng là “mùa đóng góp”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mùa khai giảng cũng là “mùa đóng góp”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO