Mua trước trả sau: Làn sóng mới trên thị trường thanh toán bán lẻ

DIỄM NGỌC 04/10/2022 05:30

Mua trước trả sau được các chuyên gia nhìn nhận là một lĩnh vực sẽ bùng nổ trong thời gian tới, thậm chí có thể trở thành một ngành kinh doanh được công nhận trên thị trường.

>>COVID-19 là tác nhân đẩy nhanh thương mại điện tử

Sớm bùng nổ mua trước trả sau

“Mua trước trả sau” (Buy now - Pay later) đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng trên toàn cầu và dự kiến sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới. Theo đánh giá, số startup hoạt động trong lĩnh vực này đã nổi lên tại Việt Nam và sẽ còn tăng cao theo đúng xu hướng của thế giới. Mô hình kinh doanh có thể gọi vốn nước ngoài hoặc liên kết với các ngân hàng trong và ngoài nước để triển khai.

Đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng, việc xuất hiện thêm các hình thức thanh toán mới sẽ góp phần làm thị trường thay đổi và sôi động theo hướng phát triển hơn. Ảnh: Diễm Ngọc

Đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng, việc xuất hiện thêm các hình thức thanh toán mới sẽ góp phần làm thị trường thay đổi và sôi động theo hướng phát triển hơn. Ảnh: Diễm Ngọc

Ông Nguyễn An Sơn, Phụ trách phòng Phát triển dự án Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) giải thích, hình thức mua trước trả sau hay mua trả góp qua thẻ tín dụng, qua những công ty tài chính đang có trên thị trường, đều là người tiêu dùng vay một khoản tiền tương đương với giá trị món hàng, sau đó sẽ hoàn trả khoản vay theo cam kết với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

Điểm khác biệt là do các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trả góp truyền thống không có dữ liệu lớn để giải quyết việc đánh giá điểm tín dụng của khoản vay, nên mới yêu cầu người tiêu dùng vay tài chính phải cung cấp thêm các giấy tờ, chứng minh thu nhập, chứng minh tài sản,... Còn mua trước trả sau dựa vào cơ sở dữ liệu lớn của các tổ chức cung ứng dịch vụ để chấm điểm khoản vay, mà không cần thiết phải đưa ra các loại giấy tờ như trên. Cơ sở dữ liệu càng lớn, thì việc chấm điểm càng có độ chính xác cao.

“Đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng, việc xuất hiện thêm các hình thức thanh toán mới sẽ góp phần làm thị trường thay đổi và sôi động theo hướng phát triển hơn. Đồng thời, ngoài các hình thức thanh toán như COD, thanh toán thẻ, chuyển khoản ngân hàng, thì người tiêu dùng cũng có thêm lựa chọn để thanh toán cho đơn hàng của họ trên nền tảng TMĐT”, ông Nguyễn An Sơn cho biết.

Theo báo cáo của Cục thương mại điện tử & Kinh tế số, quy mô của thị trường bán lẻ qua TMĐT tại Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 13,7 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên 16,4 tỷ USD trong năm 2022.

Như vậy, dư địa để phát triển loại hình mua trước trả sau là rất lớn, tuy nhiên những khó khăn thách thức chung hiện tại của TMĐT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hình thức này. Ông Sơn phân tích các nguyên nhân như:

Thứnhất, hình thức giao hàng nhận tiền dùng tiền mặt đang rất cao, chiếm khoảng 73%, còn 27% lượng người đang thanh toán không dùng tiền mặt hiện tại họ đã có mức thu nhập ổn định, đã có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng và hoàn toàn có thể chi trả ngay các món hàng định mua. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau có thể chuyển đổi 73% lượng người tiêu dùng hiện tại sang sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, trong đó có mua trước trả sau.

Thứ hai, các hình thức trả góp hiện nay hay mua trước trả sau đang phát huy hiệu quả ở những đơn hàng có giá trị cao khoảng trên 3 triệu đồng, nhưng lượng đơn hàng trên 3 triệu đồng qua TMĐT chỉ chiếm khoảng 40 - 43%. Số lượng đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quy mô của thị trường cho hình thức mua trước trả sau.

Thứ ba, vừa qua có những vụ việc lừa đảo cũng ảnh hưởng đến hình thức thanh toán còn mới như hiện nay.

“Để khắc phục được các khó khăn nêu trên, vấn đề hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ là phải giải quyết được niềm tin của người tiêu dùng, khi người tiêu dùng đã có niềm tin vào hình thức thanh toán mới này, phù hợp với các quy định pháp luật, thì những vấn đề khác dần dần sẽ được tháo gỡ khắc phục”, ông Sơn nhấn mạnh.

>>Thương mại điện tử Việt Nam: Dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025

Củng cố hành lang pháp lý

Ở góc độ pháp luật, LS Lê Văn Dương, LS thành viên công ty Luật Indochine Counsel cho rằng, trong thời gian rất ngắn nữa, sự bùng nổ của các startup Fintech cũng như sandbox cho Fintech ra đời, chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường, bởi vì đây là mô hình kinh doanh mới, hành lang pháp lý chưa có. Giả định giao dịch là hợp pháp, thì NHNN sẽ phải đưa thêm nhiều các quy định để bảo vệ việc thanh toán giữa đơn vị cung cấp dịch vụ, người bán hàng và người mua hàng.

sự bùng nổ của các startup Fintech cũng như sandbox cho Fintech ra đời, chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường

Sự bùng nổ của các startup Fintech cũng như sandbox cho Fintech ra đời, chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường

Đặc biệt, sandbox là cơ sở để hoàn thiện pháp lý cho ngành mua trước trả sau. Bản thân các startup sẽ là những người mạnh mẽ nhất, tiên phong nhất để được ghi nhận thành một ngành kinh doanh chính thức. Khi các startup hoạt động hiệu quả, đánh giá tín dụng cho vay tốt, không dẫn đến tình trạng nợ xấu, không gây mất an ninh trật tự liên quan đến đòi nợ, thì Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ hoàn toàn ủng hộ ngành nghề này.

Sau khoảng thời gian chạy sandbox, ngành nghề đó sẽ được ghi nhận là một trong những ngành kinh doanh có mã ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng ban hành, là cơ sở pháp lý vững vàng cho hoạt động của mua trước trả sau.

“Vốn dĩ, mô hình kinh doanh truyền thống chỉ diễn ra giữa người bán hàng và người mua hàng, mà Bộ luật Dân sự cho phép giao dịch đó diễn ra có hình thức trả chậm. Trong khi hình thức mua trước trả sau có sự tham gia của đơn vị thứ ba cung cấp dịch vụ là tổ chức tín dụng, tài chính; nên cần thêm quy định để đảm bảo an toàn thanh toán. Rất có thể, NHNN sẽ cần yêu cầu nền tảng về công nghệ để giao dịch đó đảm bảo an toàn giữa người mua, người bán và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Thêm khía cạnh nữa đó là, người trả tiền đối với phương thức thanh toán truyền thống, khi một cá nhân làm việc với một ngân hàng thì họ có thang điểm, có thể qua CIC, hay ban đầu gia nhập ngân hàng bằng KYC, vì vậy NHNN hay đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải chấm điểm đối với người tham gia mua bán bằng một số phương pháp khác, mà nhiều nước đã áp dụng như chấm điểm công dân. Từ thông tin này kết hợp với các công cụ phân tích, có thể liên kết tới lịch sử giao dịch tại ngân hàng và cho phép cá nhân đó được giao dịch khoản tiền lớn hoặc nhỏ trong thanh toán”, LS. Dương nói.

Về kinh nghiệm quốc tế, theo ông Nguyễn An Sơn, việc chấm điểm công dân là rất quan trọng trong hình thức mua trước trả sau. Khi nguồn dữ liệu càng lớn không chỉ ở các hoạt động tín dụng trong ngân hàng mà ở cả các lịch sử mua hàng của chính người tiêu dùng, cũng sẽ phần nào đánh giá được bức tranh của người tiêu dùng đó có an toàn hay không, điểm số có cao hay không, để quyết định cho vay khoản tiền liên quan đến món hàng.

Từ góc nhìn của nhà phát triển sản phẩm, ông Nguyễn Ảnh Cường, đồng sáng lập và CEO công ty Fundiin chia sẻ, tại Việt Nam các mô hình rủi ro và tín dụng muốn phát triển được thì đầu tiên phải là vấn đề về danh tính. Nghĩa là làm sao có thể định danh được một người dùng dễ dàng nhất trên không gian mạng.

Vừa qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã xúc tiến rất nhanh việc triển khai căn cước công dân gắn chip, từ đó có thể đồng bộ các dữ liệu công dân tập trung hơn, giúp tạo nền tảng cho các công ty liên quan đến Fintech, ngân hàng hay công ty tài chính có thể dựa trên dữ liệu này đưa ra đánh giá tốt hơn.

“Một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Singapore đã làm rất tốt hệ thống này từ lâu, hy vọng trong thời gian tới Việt Nam có thể triển khai nhanh hơn nữa, phát huy tối đa hiệu quả công cụ này. Ưu điểm nổi bật của việc tập trung dữ liệu lớn là giúp giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành, toàn hệ thống và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về phí cũng như lãi suất”, ông Cường dự báo.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19 là tác nhân đẩy nhanh thương mại điện tử

    14:46, 30/09/2022

  • Quản lý dòng tiền với thuế thương mại điện tử

    05:10, 30/09/2022

  • Lazada vượt qua "kỳ ngủ đông" của thương mại điện tử

    03:00, 29/09/2022

  • Kiến tạo nền tảng thương mại điện tử về quyền sở hữu trí tuệ

    15:04, 22/09/2022

  • 38 tác phẩm được trao giải Cuộc thi viết thuế với thương mại điện tử

    16:40, 12/09/2022

  • Thương mại điện tử Việt Nam: Dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025

    11:29, 12/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mua trước trả sau: Làn sóng mới trên thị trường thanh toán bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO