Ở Ấn độ có một câu chuyện lạ lùng, một người bình thường có thể không biết Phó Tổng thống hoặc Thủ tướng của đất nước là ai nhưng lại biết Mukesh Ambani...
Mới đây, Mukesh Ambani đã tiến thêm một bước trên đại lộ danh vọng khi lọt vào “câu lạc bộ 100 tỷ” cùng với những Jeff Bezos hay là Elon Musk. Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, cổ phiếu của tập đoàn Reliance do ông sở hữu đã đạt mức cao kỷ lục vào thứ Sáu vừa qua, khiến cho tài sản của ông đã tăng thêm 23,8 tỷ USD trong năm nay. "Đế chế" của Mukesh Ambani được hình thành ra sao?
Mukesh Ambani sinh ngày 19 tháng 4 năm 1957 tại Yemen. Cuộc sống ban đầu của ông gặp khá nhiều thuận lợi bởi có người cha là nhà kinh doanh nổi tiếng của Ấn Độ, Dhirubhai Ambani.
Ông tốt nghiệp Kỹ sư Hóa học tại Viện Công nghệ Hóa học Mumbai. Sau đó Mukesh theo đuổi bằng MBA tại Stanford. Nhưng cũng vào thời điểm đó, cha ông đã đánh bại hai tập đoàn lớn của Ấn Độ là Tata và Birla để giành được giấy phép sản xuất PFY (Polyester Filament Yarn).
Cha của ông luôn tin rằng các kỹ năng trong cuộc sống thực phải được khai thác thông qua kinh nghiệm, không phải bằng cách ngồi trong lớp học. Vì niềm tin đó, cha ông đã yêu cầu Mukesh bỏ học và cùng ông ta xây dựng nhà máy.
Mukesh đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một nhà máy đi trước thời đại. Điều này bởi vì cha ông luôn coi ông như một đối tác kinh doanh và cho phép ông đóng góp mà không cần kinh nghiệm.
Ông tiếp tục vươn xa hơn dấu ấn của Reliance bằng cách thành lập nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới tại Jamnagar, Gujarat. Tuy nhiên, Mukesh không dừng lại ở đây, sau đó ông còn thành lập chi nhánh viễn thông Reliance Communication của họ.
Nhưng, mọi thứ đã trở nên u ám với Mukesh Ambani khi cha ông đột ngột qua đời vào năm 2002 mà không để lại di chúc. Mukesh và anh trai của mình, Anil Ambani đã có những rạn nứt trong mối quan hệ và trở thành mẫu thuẫn khó giải. Mẹ của họ quyết định đã đến lúc phải chia tài sản của công ty cho hai anh em.
Mukesh là em và chỉ tiếp nhận các công ty dầu khí, lọc dầu và hóa dầu trong giai đoạn chia tách. Trong khi Anil có được các công ty đầy tiềm năng ở các mảng điện lực, viễn thông và tài chính. Đây là một đòn giáng mạnh vào Mukesh khi mà ông đã làm việc chăm chỉ để tạo ra chúng. Mukesh thậm chí còn không thể tham gia vào những ngành này vì việc chia tách cũng đi kèm với điều khoản không cạnh tranh.
Tuy nhiên, Mukesh đã nhìn thấy cơ hội của mình để loại bỏ điều khoản sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Anil đã gặp khó khăn khi nhiều dự án bị trở ngại. Khi đó, Mukesh đã can thiệp để xử lý các vấn đề với điều kiện bãi bỏ các điều khoản không cạnh tranh.
Sau đó, Mukesh đã dành 5 năm tiếp theo để đổ tiền kiếm được từ việc kinh doanh dầu mỏ và hóa dầu của mình để tạo ra một công ty cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông. Đây dường như là một quyết định điên rồ vào thời điểm đó vì lĩnh vực viễn thông vốn đã bị thống trị bởi một số gã khổng lồ trong ngành.
Tháng 6 năm 2010, Mukesh dùng Reliance Industries mua lại 96% cổ phần của Infotel Broadband Services Limited (IBSL) với giá 740 triệu USD. Sau đó để nó tiếp tục hoạt động dưới trướng công ty con của công ty viễn thông Reliance, và đổi tên thành Reliance Jio Infocomm Limited (RJIL) vào tháng 1 năm 2013.
Thời điểm đó, Jio là công ty duy nhất đã giành được băng thông rộng của tất cả 22 vòng kết nối ở Ấn Độ tại phiên đấu giá 4G diễn ra vào đầu năm 2010.
Sự nhạy bén trong kinh doanh của Mukesh được thể hiện rõ ràng ở đây. Ông đã tận dụng lợi thế của ngành vì nó đã có nhiều năm được hưởng lợi từ các sản phẩm đắt tiền để đổi lại các dịch vụ 2G và 3G kém. Jio đưa ra mức giá thấp nhất có thể trong ngành, họ thậm chí còn buộc những người chơi khác phải chào bán sản phẩm của họ với mức lợi nhuận thấp hơn.
Cuộc chiến về giá diễn ra sau đó đã khiến Reliance Communication của Anil bị cuốn trôi. Tuy nhiên, Anil không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng. Những người khổng lồ như Bharti Airtel, Vodafone và Idea thậm chí không thể tồn tại.
Toàn bộ ngành viễn thông đã phải mất 25 năm để xây dựng một mạng 2G trên khắp Ấn Độ. Nhưng Jio đã làm được điều này chỉ trong 3 năm nhờ vào sự thúc đẩy của Mukesh.
Không dừng lại ở đó, Mukesh Ambani đã đa dạng hóa thành công Reliance Industries thành một tập đoàn sở hữu các doanh nghiệp trên khắp Ấn Độ liên quan đến năng lượng, hóa dầu, dệt may, tài nguyên thiên nhiên, bán lẻ và viễn thông.
Ngoài việc thành lập “gã khổng lồ” viễn thông Jio, Mukesh Ambani cũng đang dần mạo hiểm vào ngành bán lẻ và thương mại điện tử bằng cách hợp tác với Whatsapp của Mark Zuckerberg.
Để tiến sâu vào trong phân khúc bán lẻ, Reliance Retail Ventures (RRV), một công ty con của Reliance Industries cũng đã mua lại Future Group của Kishore Biyani trong một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD (hiện đang tham gia vào cuộc chiến pháp lý với Amazon). RIL cũng mua lại phần lớn cổ phần của hiệu thuốc trực tuyến Netmeds.
Phần thưởng cho sự can đảm của Mukesh Ambani là giờ đây ông đã tiến thêm một bước trên đại lộ danh vọng khi lọt vào “câu lạc bộ 100 tỷ” cùng với những Jeff Bezos hay là Elon Musk.
Nhưng, dù là người giàu nhất châu Á thời điểm hiện tại, Mukesh chưa bao giờ nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình. Ông cho rằng: “Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều phải đấu tranh liên tục vì chúng ta không bao giờ đạt được điều mình muốn. Điều quan trọng mà tôi học được là làm thế nào không bỏ cuộc bởi vì rất ít người có thể thành công trong lần thử đầu tiên”.
Có thể bạn quan tâm
Bất ngờ chân dung “ông trùm” đường dây đánh bạc nghìn tỷ
10:56, 04/10/2021
Chân dung 4 nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất nước Mỹ
03:00, 01/09/2021
Chân dung đối tác chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 của Vingroup tại Mỹ
11:17, 04/08/2021
Chân dung người kế nhiệm huyền thoại Warren Buffett điều hành đế chế tỷ đô
03:00, 06/05/2021