Các thỏa thuận được ký kết trong chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ có thể đánh dấu sự thay đổi quyết định trong việc giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
>>Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?
Washington vẫn chưa hoàn toàn coi New Delhi như một đối tác chiến lược mới. Điều này xuất phát từ lo ngại về mối quan hệ thân thiết giữa Ấn Độ với Nga. Đặc biệt, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã phụ thuộc rất nhiều vào Liên Xô và sau đó là Nga để nhập khẩu phần lớn vũ khí.
Chính vì vậy, các thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm của ông Modi mới đây tại Mỹ có thể mang lại một bước ngoặt quyết định trong quá trình giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, thị phần của Nga trên thị trường nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trong giai đoạn 2018-2022 là 45%, giảm mạnh so với mức 64% được ghi nhận trong 5 năm trước.
Mối quan hệ hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Mỹ được bắt đầu bằng việc ký kết Khuôn khổ mới cho Quan hệ Quốc phòng Ấn Độ-Mỹ vào năm 2005. Ba năm sau, hai bên đạt được thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự. Năm 2016, Mỹ đã chỉ định Ấn Độ là "đối tác quốc phòng chính", và cho phép New Delhi tiếp cận các công nghệ quân sự tiên tiến và nhạy cảm.
Trong vài năm qua, Ấn Độ đã đồng ý mua khí tài quân sự trị giá hơn 20 tỷ USD của Mỹ, bao gồm máy bay vận tải Lockheed Martin C-130J Super Hercules, máy bay tuần tra biển tầm xa Boeing P-8I Poseidon, máy bay trực thăng Boeing AH-64E Apache, trực thăng vận tải hạng nặng Boeing CH-47F(I) Chinook.
Một trong những thỏa thuận hấp dẫn nhất đạt được trong chuyến thăm của ông Modi là General Electric đã đồng ý hợp tác với Công ty Hàng không Hindustan của Ấn Độ để sản xuất động cơ phản lực F414 ở Ấn Độ cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas Mark 2.
Điều này phù hợp với chiến dịch "Make in India" của chính phủ ông Modi, trong đó có một phần nhấn mạnh đến việc mở rộng sản xuất phần cứng cho các thiết bị quân sự trong nước. Trong tương lai, New Delhi cũng có kế hoạch mua máy bay không người lái tầm cao MQ-9B của General Atomics, đây sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi khi phương tiện này góp phần cải thiện khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Ấn Độ.
>>Mỹ "tiếp sức" Ấn Độ thoát phụ thuộc quốc phòng vào Nga
Ngoài ra, Mỹ và Ấn Độ cũng đã ký một loạt thỏa thuận quốc phòng cơ bản, bao gồm Bản ghi nhớ Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần năm 2016, Thỏa thuận Tương thích và An ninh Truyền thông (COMCASA), Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản năm 2020.
Trong khi đó, Sáng kiến về Công nghệ quan trọng và mới nổi ra mắt vào tháng 5/2022 nhằm mục đích "thúc đẩy hợp tác phát triển và đồng sản xuất giữa các nền tảng quốc phòng lớn”.
Theo ông Rupakjyoti Borah, nghiên cứu viên cao cấp của Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ có nhiều cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Hai nước có lợi ích chung trong việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hợp tác với các nước có cùng chí hướng, cùng là thành viên của Bộ Tứ (Quad) với Nhật Bản và Australia.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng chỉ ra, sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đã đẩy Washington và New Delhi xích lại gần nhau.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, sẽ mất nhiều thời gian để Ấn Độ thoát khỏi sự phụ thuộc vũ khí vào phía Nga. Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 MKI là trụ cột của Lực lượng Không quân Ấn Độ. Nga cũng đang tiến hành giao hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ trong thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD đạt được vào năm 2018.
Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng trong việc tích hợp các nền tảng vũ khí do Nga và Mỹ sản xuất, điều này có thể làm phức tạp việc đào tạo nhân sự sử dụng vũ khí.
Có thể bạn quan tâm