Rất nhanh chóng, chỉ một thời gian rất ngắn sau cuộc gặp bên lề Đại hội đồng LHQ 74, Mỹ và Nhật Bản đã ký kết chính thức một Hiệp định thương mại.
Theo đó, thỏa thuận Tổng thống Trump ký với chính quyền Tokyo sẽ mở cửa thị trường Nhật Bản cho hàng nông sản Mỹ. Ước tính thỏa thuận này sẽ giảm thuế đánh lên 7 tỷ USD hàng nông nghiệp Mỹ tại thị trường Nhật Bản, bao gồm phô mai, rượu vang, thịt bò, thịt lợn, lúa mì và hạnh nhân.
Đổi lại, Mỹ sẽ giảm thuế đánh lên một số mặt hàng công nghiệp Nhật Bản. Hai bên cũng sẽ siết chặt các điều khoản quản lý thương mại kỹ thuật số song phương. Được biết, thỏa thuận “tiêu chuẩn vàng” cho thương mại số này được Tổng thống Trump giải thích có một phần nội dung giống như Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 08/10/2019
06:00, 07/10/2019
06:00, 08/10/2019
14:45, 04/10/2019
Các quan chức hai nước cũng nhất trí dỡ bỏ thuế đánh vào các sản phẩm kỹ thuật số như video, âm nhạc và sách điện tử, cũng như đảm bảo rằng việc chuyển dữ liệu sẽ không gặp phải rào cản, cam kết mở cửa thị trường đối với số sản phẩm có trị giá 40 tỷ USD.
Thỏa thuận trên không bao gồm thuế đánh lên xe hơi Nhật Bản và các khoản thuế bổ sung khác mà ông Trump đe dọa sẽ áp dụng hồi năm ngoái. Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố ông được đảm bảo rằng Nhà Trắng sẽ không dùng đòn trừng phạt này.
Điều này sẽ mở ra cơ hội thâm nhập thị trường then chốt cho các nông dân và các chủ trang trại gia súc của Mỹ, những người đang chịu thiệt thòi bởi thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là các chủ trang trại chăn nuôi bò và lợn.
Theo đó, thịt bò Mỹ sẽ được giảm từ mức 38,5% hiện nay xuống còn 9% vào năm 2033, cùng lộ trình với Úc, New Zealand và Canada. Thịt lợn sẽ thấy thuế quan của Nhật Bản được cắt giảm dần trong vòng 9 năm.
Tuy nhiên, Matthew Goodman, chuyên gia kinh tế châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington lại cho rằng, đây không phải là một thỏa thuận có ý nghĩa lớn khi nhìn từ góc độ thương mại, vì nó không chạm đến các mặt hàng lớn nhất trong thương mại song phương giữa Mỹ và Nhật Bản như ô tô và phụ tùng ô tô hoặc khí propan hóa lỏng và linh kiện bán dẫn từ Mỹ.
Mặt khác, những người nông dân trồng lúa của Mỹ sẽ không được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại song phương mới. Với Hiệp định TPP cũ, Nhật Bản sẽ nhập khẩu từ Mỹ khoảng 70.000 tấn gạo mỗi năm và miễn thuế theo hạn ngạch cụ thể, nhưng điều này đã không xuất hiện trong thỏa thuận mới ký kết.
Mặc dù vậy, việc ký kết thỏa thuận thương mại song phương đã giúp Nhật Bản củng cố vai trò đồng minh cũng như đối tác an ninh - thương mại không thể thiếu của Mỹ. Tổng thổng Mỹ đang tạo cho mình một lợi thế nhất định trên bàn đàm phán với mục tiêu là một thỏa thuận toàn diện, tương tự như với Thỏa thuận Thương mại Mỹ, Mexico, Canada (USMCA) hay Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc.
Đồng thời, qua việc đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, Mỹ đang gửi thông điệp ngầm đến EU và đặc biệt là Trung Quốc, khi cuộc đàm phán giữa hai bên chuẩn bị được tiến hành. Tính đến thời điểm hiện tại, trong khi Trung Quốc đang ngày càng không sẵn lòng đối với một thỏa thuận toàn diện, thì việc đàm phán thỏa thuận Liên minh châu Âu (EU) vẫn trong thế bế tắc và có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới.
Giới nhận định cho rằng, Tổng thống Trump có thể dựa vào thành công của thỏa thuận Mỹ-Nhật để gia tăng sức ép với Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, cuộc gặp tới của hai bên diễn ra vào ngày 10 và 11/10 sắp tới sẽ ít có khả năng thành công.
Florian Hense, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng Berenberg (Đức), nhận định, thay vì đối đầu với cả EU và Trung Quốc, Mỹ nên bày tỏ thiện chí và tiến tới chấm dứt cuộc chiến thuế quan. "Thị trường EU và Trung Quốc đều lớn hơn Nhật Bản rất nhiều lần và cả hai đều là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ. Đó cũng là hai dòng chảy thương mại song phương lớn nhất thế giới. Đây mới là điều Mỹ nên đặt lên hàng đầu".