Mặc dù còn nhiều nghi ngại, nhưng giới chuyên gia vẫn giữ lại những dự báo lạc quan về kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung vào thứ 5 tuần này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, người sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của Trung Quốc trong vòng đàm phán bắt đầu vào thứ 5 tuần này, đã tuyên bố trước các đại diện của Mỹ tại Bắc Kinh rằng, Trung Quốc sẽ loại bỏ khỏi đề xuất đàm phán của nước này các cam kết về cải cách chính sách công nghiệp và các khoản trợ cấp của chính phủ - những vấn đề bị Mỹ nhắm đến lâu nay.
Có thể bạn quan tâm
14:45, 04/10/2019
11:30, 30/09/2019
11:00, 28/09/2019
12:39, 25/09/2019
Trước đó, dù cả hai bên đều nói rằng, cuộc đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng diễn ra tốt đẹp và “có tính xây dựng”, nhưng việc đột ngột cắt ngắn lịch trình, gấp rút trở về Bắc Kinh của đoàn Trung Quốc được cho là dấu hiệu cho thấy đang có nhiều điểm chưa đồng thuận.
Động thái này chính là một trong những tín hiệu cho thấy Trung Quốc gần đây đang ngày càng cứng rắn hơn với Mỹ trong bối cảnh "sóng gió" luận tội đang bủa vây ông Trump, đồng thời ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cuộc thương chiến của ông Trump khiến nền kinh tế Mỹ trở nên trì trệ.
Theo ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, hiện tại cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang ở trong giai đoạn nhạy cảm và phụ thuộc nhiều vào việc ông Lưu Hạc sẽ mang đề xuất thế nào đến Washington vào ngày thứ 5 tuần này.
Hiện nay, theo nhiều nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, chính quyền Mỹ đã lên kế hoạch tăng thuế vào hai đợt trong tháng 10 và tháng 12 tới. Do vậy, nếu phía Trung Quốc quyết định loại bỏ nhiều điều khoản cốt lõi trong bản thỏa thuận, có khả năng hai nước sẽ khó đạt được kết quả, cho dù là thỏa thuận tạm thời.
Mặc dù vậy, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, “cả hai bên đang duy trì liên lạc hiệu quả” khi đề cập đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Bộ thương mại Trung Quốc cũng tỏ ý xuống nước rõ rệt khi khẳng định nước này sẽ không có bước đi đáp trả nào với lệnh thuế quan mới nhất của Mỹ.
Chính vì vậy, các chuyên gia vẫn lạc quan rằng vòng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn diễn ra với bầu không khí thiện chí và cởi mở.
Riley Walters, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm nghiên cứu châu Á đánh giá, chiến lược áp thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc không phải là một công cụ hữu hiệu để giải quyết sự mất cân bằng thương mại song phương, vốn chủ yếu bắt nguồn từ những yếu tố cơ cấu ở trong nước. Do vậy để giảm sự mất cân bằng thương mại đòi hỏi mỗi nước phải thực hiện những điều chỉnh cơ cấu lớn hơn.
"Thay vào đó, cuộc chiến thuế quan đã làm suy yếu sự tăng trưởng và ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai nền kinh tế. Giải pháp tốt nhất hiện nay là cùng nhượng bộ trong một số điều khoản đơn giản như Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ và Mỹ xóa bỏ một phần thuế quan cho Trung Quốc để cùng hướng tới mục tiêu cao hơn", chuyên gia này cho biết.
Mỹ không thể phát triển mạnh sau một bức tường thuế quan và Trung Quốc cũng không thể tái cấu trúc thành công mô hình tăng trưởng và phát triển mà không cần dựa vào các thị trường và công nghệ toàn cầu. Hai bên vẫn cần đạt được một kết quả, dù chỉ là tạm thời để kích thích thị trường và khôi phục niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trước khi bước vào giai đoạn mới.