Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông sẽ thúc đẩy việc thông qua một khoản quỹ trị giá 37 tỷ USD để đẩy mạnh hoạt động sản xuất chip ở Mỹ.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ thiếu hụt chất bán dẫn buộc các nhà sản xuất ô tô và các ngành sản xuất khác của nước này phải cắt giảm sản lượng.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng ký sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh hợp tác với các đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng chip toàn cầu và các sản phẩm quan trọng khác. Theo sắc lệnh này, trong vòng 100 ngày các cơ quan liên bang sẽ xem xét, đánh giá lại về tình hình chuỗi cung ứng đối với 4 sản phẩm quan trọng là chip bán dẫn, pin năng lượng lớn cho xe điện, đất hiếm và dược phẩm.
Trong khi các cuộc thảo luận hiện tập trung vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, dự kiến, các lĩnh vực khác cũng có khả năng được hưởng lợi. Ví dụ, các công ty như Apple Inc, Qualcomm Inc và Nvidia Corp cũng bị ảnh hưởng do đang phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip bên ngoài như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd (TSMC) hoặc Samsung Electronics Co Ltd.
Các doanh nghiệp tại Mỹ kỳ vọng, hành động này sẽ thúc đẩy sự dẫn đầu bền vững của Hoa Kỳ về công nghệ; cũng như tạo thêm nhiều việc làm, bảo đảm an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Mỹ bộc lộ nhiều lỗ hổng về chuỗi cung ứng. Trước đó, Mỹ đang có hoạt động sản xuất chip thương mại ở 18 bang và chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ năm của nước này.
Tuy nhiên, các chính sách đầu tư và khuyến khích sản xuất chất bán dẫn được các nước khác đưa ra đã tạo nguồn cung dồi dào với giá thành cạnh tranh, khiến Mỹ dần tụt hậu.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 rõ ràng là một lời cảnh tỉnh. Bởi khi các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải đóng băng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã làm các doanh nghiệp ô tô tại Mỹ chật vật trong việc tìm kiếm nguồn cung.
Theo các chuyên gia, mặc dù trong ngắn hạn, điều này sẽ không khắc phục được tình trạng thiếu chip tại Mỹ. Nhưng về lâu dài, những động thái này sẽ giúp Mỹ không bao giờ phải đối mặt với tình trạng thiếu các sản phẩm thiết yếu; cũng như giảm bớt rủi ro từ những gián đoạn như thảm họa thiên nhiên hoặc lệnh cấm vận từ "các quốc gia không thân thiện", cụ thể là Trung Quốc.
Dominic Daninger, phó Chủ tịch của Nor-Tech nhận định, Tổng thống Biden đã chịu áp lực từ các Nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa khi họ buộc ông phải hành động nhiều hơn để bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc.
“Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng, sản xuất chất bán dẫn là một điểm yếu nguy hiểm trong nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Và điều này phải thay đổi. Họ không muốn Trung Quốc vượt trước Mỹ trong việc sản xuất chip và các công nghệ khác”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, Chad Bown của Viện Peterson cho biết, các yếu tố cung và cầu dẫn đến cuộc khủng hoảng chip hiện nay đối với các nhà sản xuất ô tô không liên quan đến nơi sản xuất chip.
Chuyên gia này nhận định, bảo vệ an ninh quốc gia thường gắn với việc tạo ra nhiều chip cho siêu máy tính và hầu hết có thể được sử dụng cho mục đích quân sự; do đó, việc thúc đẩy sản xuất chip trong nước sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu chip mà các nhà sản xuất ô tô cần.
Về cơ bản, sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc không phải là vấn đề về sự phụ thuộc mà là vấn đề duy trì lợi thế đổi mới công nghệ. Và việc tái cấu trúc các chuỗi cung ứng có thể cần nhiều thời gian, đặc biệt là với sản phẩm bán dẫn.
Chính vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi sản xuất nhiều chip sẽ hiệu quả hơn việc Mỹ cố gắng làm mọi thứ một cách đơn phương.
Có thể bạn quan tâm
“Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô
03:47, 26/01/2021
Năm 2021: “Sóng gió” liệu có đi qua với ngành công nghiệp Chip?
11:00, 30/12/2020
Intel bán lại mảng chip cho công ty Hàn Quốc với giá 9 tỷ USD
13:19, 20/10/2020
Không tự chủ công nghệ chip, Trung Quốc chỉ có thể nhờ vả Mỹ
06:28, 17/10/2020