Đậu tương là mặt hàng mà cả Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau. Bởi vậy trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, tổn thất do hạt đậu bé nhỏ gây ra, chẳng nhỏ bé chút nào.
Hạt đậu tương bé nhỏ đã không còn dễ thương như trong câu chuyện cổ tích ngày nào, khi mà Chính phủ Mỹ đã phải chi 4,7 tỷ USD để hỗ trợ người nông dân. Ở bên kia chiến tuyến, người dân Trung Quốc cũng đang lao đao khi cuộc sống hàng ngày của họ phụ thuộc quá nhiều vào loại nông sản này.
Có thể bạn quan tâm
07:15, 01/09/2018
11:49, 27/08/2018
11:00, 17/08/2018
13:30, 10/08/2018
11:00, 10/08/2018
Câu chuyện hạt đậu tương IOM của Mỹ
Phần lớn đậu tương Mỹ được trồng ở khu vực Trung Tây nước Mỹ, khu vực rất ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Người ta gọi đậu tương đến từ khu vực này với cái tên "đậu tương IOM". IOM là chữ cái đầu tiên của các bang Indiana, Ohio và Michigan, chính những bang này đã giúp đưa Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng.
Rõ ràng, chính sách thuế áp với sản phẩm đậu tương mà phía Trung Quốc đưa ra nhằm gây khó cho chính quyền Tổng thống Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, 5 tháng đầu năm 2018, số lượng đậu tương Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm tới 21%. Đối với nông dân Mỹ sống nhờ xuất khẩu nông sản thì đó là một tai họa vì đó không đơn giản là vấn đề “anh không mua thì tôi bán cho người khác”. Với số lượng đậu khổng lồ đó, người Mỹ ăn không hết mà cũng khó có thể tìm được khách mua mới tiêu thụ hết. Trong cuộc chiến tranh thương mại đang không ngừng leo thang, người bị hại cuối cùng ở Mỹ chính là những nông dân sống nhờ đất đai, “có muốn đi đâu cũng không được”.
Trên thực tế từ năm 2013 đến nay do liên tiếp được mùa nên nông sản bị tồn đọng trong kho khá nhiều, giá không thể tăng được, thu nhập của các nông trang Mỹ đang có xu hướng giảm đi. Ngoài ra, nông dân Mỹ còn phải đối phó với sự cạnh tranh quốc tế đến từ Nam Mỹ và Nga, nay với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tương lai của họ càng trở nên bấp bênh.
Các Nghị sỹ vùng Trung Tây nước Mỹ đang lo lắng hối thúc Tổng thống Donald Trump xem xét lại các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền Trump lại đang tìm cách để đền bù cho những nông dân chịu tác động tiêu cực bởi tranh chấp thương mại.
Trung Quốc có đang “vác đá ghè chân mình”?
Chuyên gia nghiên cứu Caroline Bain của Capital Economic, nhấn mạnh, bức tranh phác họa cuộc chiến này hoàn toàn không đơn sắc. "Đậu tương chính là ví dụ điển hình. Hiện tại, Mỹ là nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới với 40% tổng lượng xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nhà nhập khẩu nhiều nhất với 60% tổng số nhu cầu. Nói cách khác, Mỹ là nhà cung cấp đậu tương quan trọng cho Trung Quốc.
Mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 110 triệu tấn đậu tương, 90% trong số đó được nhập khẩu. Cuộc chiến tranh thương mại khiến đậu tương Mỹ trở nên đắt đỏ với các công ty nhập khẩu Trung Quốc, trong khi việc tìm nguồn cung thay thế lại không hề dễ dàng. Theo nhận định của ông Loren Puette -Giám đốc Công ty nghiên cứu ChinaAg có trụ sở tại Đài Loan, thì đây sẽ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc, nếu căng thẳng thương mại không được giải quyết trong một vài tháng tới.
Dừng thu mua đậu tương Mỹ, nhiều công ty ở Trung Quốc đại lục đã chuyển sang mua đậu tương từ các quốc gia khác. Trước khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Công ty Hebei Power Sea Feed Technology đã mua hàng nghìn tấn thức ăn chăn nuôi chế biến từ đậu tương Mỹ, nhưng gần đây công ty này đã chuyển hướng sang mua hàng từ Brazil.
Trong khi đó, nhiều trang trại ở Trung Quốc cũng đang trồng thêm đậu tương, nhưng nguồn cung đậu tương trong nước cũng được dự báo khó có thể sớm tăng tới mức đủ để bù đắp sự sụt giảm nguồn cung đậu tương từ Mỹ. Chưa kể, đậu tương Trung Quốc có giá đắt đỏ hơn nhiều so với đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và Brazil. Trưởng bộ phận chiến lược tài sản thuộc Wells Fargo Investment Institute – ông John LaForge đặt câu hỏi: "Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể để tránh phải mua đậu tương Mỹ vào thời điểm này. Vấn đề đặt ra là họ có thể tránh đậu Mỹ được bao lâu?”
Một số nhà phân tích dự báo các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ đến lúc phải quay lại mua đậu tương Mỹ vào cuối năm nay, khi nguồn cung từ các nơi khác đã cạn. Điều đó có thể gây ảnh hưởng rộng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.