Số thu ngân sách của Hải quan năm 2017 đạt 297.082 tỷ đồng, bằng 104,24% dự toán, bằng 102,44% chỉ tiêu phấn đấu do Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100,71% chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao (295.000 tỷ đồng), tăng 9,47% so với cùng kỳ 2016.
Thông tin này được ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đưa ra tại hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Tổng cục Hải quan tổ chức sáng nay 11/1 tại Hà Nội.
Theo đó, ông Tưởng cho biết trong công tác thu ngân sách nhà nước, năm 2017 do một số mặt hàng chính, có số thu lớn có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cùng với đó là giá dầu thô giảm, cắt giảm thuế khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã gây ảnh hưởng giảm đến số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan.
Về công tác kiểm tra sau thông quan, ông Tưởng cho hay, Tổng cục Hải quan đã chú trọng chỉ đạo toàn lực lượng kiểm tra sau thông quan rà soát, thực hiện kiểm tra sau thông quan theo các chuyên đề, tập trung kiểm tra sau thông quan những mặt hàng phức tạp, có kim ngạch lớn, thuế suất cao, có khả năng gian lận về mã, giá như: Ô tô, rượu, bia, giấy, mỹ phẩm... Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong triển khai thực hiện kiểm tra sau thông quan. Thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan một số chuyên đề kiểm tra sau thông quan tại Cục Hải quan: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn.
Vì vậy, trong năm 2017, toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 8.987 cuộc, trong đó: 1.265 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (đạt 102% chỉ tiêu năm 2017) và 7.722 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là: 2.454,6 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền: 2.231,5 tỷ đồng (đạt 112% chỉ tiêu năm 2017 là 2.000 tỷ đồng, bằng 86% so với cùng kỳ 2016).
Trong công tác quản lý rủi ro, năm 2017, ngành Hải quan đã phát hiện khoảng 5.000 vụ vi phạm lớn. Đồng thời, đã điều phối toàn ngành tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro như: Chuyên đề kiểm soát rủi ro, hồ sơ rủi ro, đo lường tuân thủ, danh mục hàng hóa rủi ro, điều phối hoạt động soi chiếu… qua đó, đã phát hiện nhiều lô hàng xuất nhập khẩu, đối tượng xuất nhập cảnh vi phạm, tăng số tiền thuế phải thu lên
Đặc biệt, ông Tưởng cho hay một công cụ chống thất thu ngân sách nhà nước hiệu quả là chống buôn lậu và gian lận thương mại đã được Tổng cục Hải quan triển khai tích cực và quyết liệt. Năm 2017 nhiều vụ việc vi phạm có số lượng và trị giá lớn được phát hiện và bắt giữ kịp thời như: Ma túy, cần sa, pháo nổ, vàng, tiền giả, mặt hàng thuộc danh mục CITES; buôn lậu xăng, dầu DO, than, khoáng sản, rượu bia, thuốc lá...; hàng phải có giấy phép có điều kiện, máy móc qua sử dụng từ Mỹ, Nhật...; hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...
Trong năm 2017, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn Ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý: 15.184 vụ vi phạm pháp luật hải quan (giảm 1,97 % so với cùng kỳ năm 2016); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 789, 579 tỷ đồng (tăng 89,58% so với cùng kỳ 2016). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 334,8 tỷ đồng (tăng 95,5% so với cùng kỳ 2016). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ (tăng 6,25% so với cùng kỳ 2016). Chuyển cơ quan khác khởi tố 68 vụ (giảm 39,29% so với cùng kỳ 2016).
Kết quả đạt được trong năm 2017 có ý nghĩa quan trọng để Tổng cục Hải quan cùng toàn ngành Tài chính bước sang năm 2018, năm bản lề trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020.