Mặc dù năm 2022 đối mặt với nhiều biến động khó lường, thế nhưng, những đột phá về thể chế - chính sách tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, đã ghi nhiều dấu ấn.
>>Cuối năm 2022 bốn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chắc chắn sẽ về đích
Những đột phá về thể chế, chính sách…
Có thể thấy, năm 2022, mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng trực tiếp, như: biến động giá xăng dầu, xuất khẩu sụt giảm do các nước cắt giảm chi tiêu, thế nhưng, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình, trong đó, phải kể đến sự nỗ lực của ngành GTVT trong việc gặt hái được nhiều thành công, ghi nhiều dấu ấn, tạo được nhiều đột phá về thể chế, chính sách, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ GTVT, trong năm 2022, ngành GTVT đã có nhiều thành tích trong việc hoàn thiện thể, chế chính sách trong việc giải bài toán giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, như: trình Chính phủ ban hành 8/8 Nghị định theo Chương trình công tác của Chính phủ; ban hành 25 Thông tư theo thẩm quyền; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa); quy hoạch lĩnh vực hàng không và đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và Thường trực Chính phủ đã cho ý kiến, được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt…
Đáng chú ý, đối với vấn đề giải ngân đầu tư công, kết thúc năm 2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được khoảng 53.000 tỷ đồng (tương đương 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao). Với kết quả này, Bộ GTVT tiếp tục duy trì được mức hơn bình quân chung của cả nước và là một trong những Bộ, ngành có kết quả giải ngân vốn ngân sách cao nhất. Đây cũng là khối lượng giải ngân vốn ngân sách cao kỷ lục của ngành GTVT từ trước đến nay.
Đặc biệt, theo kế hoạch, ngày 1/1/2023, đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công. Đây là những dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư thần tốc.
Đơn cử, tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, thời gian thực hiện lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần khoảng 1 năm (tính từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) thì tại dự án giai đoạn 2, thời gian chỉ hơn 5,5 tháng.
Thời gian tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn xong các nhà thầu thi công ở dự án giai đoạn 1 khoảng một năm rưỡi, thì ở giai đoạn 2 chỉ 6 tháng.
Như vậy, tính chung thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (cả phê duyệt dự án và phê duyệt thiết kế dự toán) mất khoảng 3 năm ở giai đoạn 1 thì sang giai đoạn 2 chỉ chưa đầy 1 năm.
Cũng trong năm 2022, tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, dự án thành phần đầu tiên trong 11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đưa vào khai thác theo đúng tiến độ, rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Thủ đô về vùng đất cố đô khoảng 1 giờ.
Dự án Cam Lộ - La Sơn dự kiến cũng sẽ được khánh thành, đưa vào khai thác ngày 31/12/2022, sau hơn 3 năm thi công, góp phần nối thông tuyến cao tốc trọng điểm qua miền Trung.
Đối với 3 dự án thành phần khác gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây cũng được thông xe kỹ thuật tuyến chính, đáp ứng đúng kế hoạch Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu.
>>Bộ trưởng Bộ GTVT “xốc” tinh thần thi công dự án cao tốc Bắc – Nam
… và nhiều lĩnh vực nằm trong top thế giới
Đáng chú ý, theo công bố của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Và Việt Nam là một trong những nước trong khu vực đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã tiên phong “mở cửa bầu trời”.
Có thể nói, suốt 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam luôn chực chờ trên bờ vực phá sản vì thiệt hại quá nặng nề. Tuy nhiên, theo IATA, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Trong đó, đường bay vàng Hà Nội - TP.HCM, đứng vị trí thứ 4 trong các đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới.
Không dừng lại ở đó, ngày 24/12, công trình nhà ga T3 Tân Sơn Nhất chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến trong 24 tháng, hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2024.
Đây là dự án trọng điểm của Bộ GTVT và TP.HCM giai đoạn (2021 - 2025), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Dự án gồm 3 hạng mục chính: Ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga.
Ở lĩnh vực cảng biển, theo công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - Chỉ số hoạt động Cảng container), cảng quốc tế Cái Mép của Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container toàn cầu.
Điều này thực sự có ý nghĩa khi dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề tới khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong nửa sau năm 2021, nhưng Cái Mép vẫn mở cửa hoạt động an toàn, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy.
Đặc biệt, trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới, Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Hải Phòng, TP.HCM và Cái Mép.
Bên cạnh đó, những dấu ấn về các công trình hạ tầng giao thông đường bộ cũng đạt được thành tích đáng khích lệ, như: theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/8/2022, các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng hoàn toàn. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ thu phí giao thông, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, giúp phương tiện đi nhanh hơn, giảm ùn tắc tại các trạm thu phí và minh bạch thu phí dự án BOT.
Đến nay toàn bộ 146 trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng. Quá trình vận hành tại các trạm thu phí cơ bản ổn định.
Tính đến ngày 1/12/2022, có hơn 4,2 triệu phương tiện trên toàn quốc đã dán thẻ đầu cuối, đạt tỷ lệ 92% và đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về chuyển đổi số, cải cách hành chính, đây là một trong những điểm nổi bật trong năm 2022 của ngành GTVT. Cụ thể, ngành GTVT đã hoàn thành xây dựng mạng diện rộng cho việc kết nối với mạng dùng riêng của cơ quan Đảng, Nhà nước; hoàn thành xây dựng nền tảng đám mây của Bộ GTVT kết nối với nền tảng điện toán đám mây của Chính phủ; duy trì cung cấp 289 dịch vụ công trực tuyến…
Có thể bạn quan tâm
10:46, 21/12/2022
08:00, 02/12/2022
03:18, 02/12/2022
21:43, 29/11/2022
05:00, 25/11/2022