Đây là chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Nguyễn Văn Thọ tại Hội nghị Tổng kết ngành Tài chính năm 2024 chiều 31/12…
Thông tin tại Hội nghị, ông Thọ cho biết, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Đảng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm công tác quản lý hải quan.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 786,07 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 105 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước tính thặng dư 23,75 tỷ USD - Đây là số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Để đạt được những kết quả này, theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, nâng cao hiệu quả của Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Tính đến ngày 26/12/2024, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với hơn 76,2 nghìn doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng đối tác ngoài ASEAN và các loại chứng từ trao đổi thông qua cơ chế một cửa ASEAN.
Tiếp tục là đầu mối tích cực tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ đẩy mạnh cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đã tham gia ý kiến đối với 69 dự thảo xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án về KTCN; rà soát, chuẩn hóa Danh mục chuyên ngành của 03 Bộ quản lý chuyên ngành cho phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2022; chủ động theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phản ánh đến các Bộ quản lý chuyên ngành về các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi…
Bên cạnh công tác tạo thuận lợi thương mại, theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, công tác thu ngân sách Nhà nước cũng đạt kết quả tích cực. Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 là 375.000 tỷ đồng. Thực tế, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 426.000 tỷ đồng, bằng 113,3% dự toán được giao, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
“Cùng với đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là công tác phòng chống mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, an ninh an toàn cộng đồng”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.
Cụ thể, về bắt giữ và xử lý vi phạm, từ 16/12/2023-15/12/2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 17.998 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 31.351 tỷ đồng (tăng 12,54% về số vụ và tăng 151,30% về trị giá hàng hoá vi phạm). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 27 vụ (giảm 32,5% so với cùng kỳ 2023), chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 173 vụ (giảm 6,99% so với cùng kỳ năm 2023). Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 893,21 tỷ đồng (tăng 79,4% so với cùng kỳ 2023).
Về bắt giữ ma túy, từ 16/12/2023-15/12/2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 293 vụ/355 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 110 vụ. Tang vật thu được gồm, 2.278,75 kg ma tuý các loại. Trong đó, có nhiều vụ việc trị giá tang vật lớn, bắt được nhiều đối tượng, nhiều vụ ma túy lớn,…
Cùng với các vấn đề đã nêu, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, đơn vị đã khẩn trương thực hiện theo đúng chỉ đạo, định hướng về sắp xếp tổ chức bộ máy của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tài chính và đã báo cáo Bộ Tài chính theo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, công chức trong ngành hiểu đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo triển khai thực hiện ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, bước sang năm 2025, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những biến động, khối lượng công việc ngày càng lớn, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Tổng cục sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Quyết liệt triển khai việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan. Đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, người dân;
Tập trung nguồn lực rà soát, đề xuất và tổ chức triển khai xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác hải quan, cụ thể: 08 Luật, 61 Nghị định, 15 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 83 văn bản cấp Bộ và 373 quy trình nghiệp vụ; Tập trung nguồn lực làm tốt các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 đã đặt ra, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành tốt công tác thu ngân sách nhà nước và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới;
Tập trung đảm bảo vận hành ổn định hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT vệ tinh thông suốt, đảm bảo các yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, trình Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh;…