Thị trường carbon mang đến nhiều lợi ích kinh tế lẫn giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu triển khai đầu tư cho thị trường này.
>>>Tham vọng giảm phát thải carbon
Thị trường carbon được chia thành hai loại: Thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải KNK) và Thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon).
Đây là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát khí thải nhà kính và chống biến đổi khí hậu - tại tọa đàm chính sách “Thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ TP.HCM” do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức mới đây, GS.TS. Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ.
Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cho phép các tổ chức mua bán, trao đổi các hạn ngạch phát thải KNK và một tỷ lệ nhất định các tín chỉ carbon. Thị trường carbon bắt buộc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải KNK. Chẳng hạn, Hệ thống Thương mại khí thải Liên minh Châu Âu (EU-ETS): Là thị trường carbon bắt buộc lâu đời và thành công nhất thế giới, đã giúp giảm phát thải KNK trong khu vực EU hơn 40% kể từ năm 2005. Thị trường liên kết California-Quebec: Là thị trường carbon bắt buộc ở Bắc Mỹ, đã giúp giảm phát thải KNK trong khu vực hơn 10% kể từ năm 2013. Từ năm 2021, Trung Quốc trở thành thị trường carbon có quy mô lớn nhất thế giới (chiếm gần 50% toàn cầu về lượng giảm KNK).
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023, so với công cụ thuế carbon (dù đã phát triển từ năm 1990), thì thị trường carbon bắt buộc góp phần giảm KNK toàn cầu cao gấp ba lần (5.62%, tương đương 2.76 tỷ tấn CO2e và 17.64%, tương đương 8.91 tỷ tấn CO2e) và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, bản thân thị trường cũng tiềm ẩn những thất bại như cạnh tranh không hoàn hảo, thông tin bất cân xứng, …
>>>Doanh nghiệp mong sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon
Các chuyên gia dẫn các nghiên trước đây chỉ ra một số hạn chế điển hình của thị trường carbon như:
Giá carbon: Giá carbon hiện nay được cho là chưa đủ cao để thúc đẩy các khoản đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch.
Rò rỉ carbon: Một số tổ chức có thể chuyển hoạt động sang các khu vực không có quy định hoặc quy định ít nghiêm ngặt hơn về phát thải để tránh chi phí mua hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Tính thanh khoản: Một số thị trường carbon thiếu thanh khoản, khiến việc mua bán hạn ngạch phát thải trở nên khó khăn.
Ở khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có Indonesia đã triển khai thực hiện thị trường carbon bắt buộc cho ngành năng lượng từ ngày 22 tháng 02 năm 2023. Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị thí điểm từ năm 2025 và sẽ chính thức vận hành từ năm 2028 theo Nghị Định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Song hành với thị trường carbon bắt buộc là thị trường carbon tự nguyện, trong đó cho phép các cá nhân và tổ chức mua và bán tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải carbon dư thừa hoặc không thể tránh khỏi trên cơ sở tự nguyện. Thị trường carbon tự nguyện tạo ra một cơ chế hiệu quả giúp đẩy nhanh các hành động nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Nhu cầu tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện đã tăng đáng kể trong những năm gần đây khi nhiều doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu về trách nhiệm xã hội và môi trường và ngày càng nhiều cá nhân muốn bù trừ dấu chân carbon của mình. Theo Báo cáo thông tin chi tiết của Ecosystem Marketplace, nguồn cung tín chỉ carbon trên thế giới tăng nhanh với khoảng 240 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành trong giai đoạn 2010-2021, trong đó 92 triệu tín chỉ được sử dụng để bù đắp cho phát thải KNK của các tổ chức và cá nhân với tổng giá trị giao dịch của toàn bộ thị trường đạt đạt 2.400 triệu USD và ước đạt khoảng 3.200 triệu USD trong năm 2024.
Mặc dù việc hình thành thị trường carbon vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, trong thời gian qua Việt Nam đã tham gia thị trường carbon quốc tế thông qua việc thực hiện các dự án tín chỉ carbon mà đầu tiên là cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2005 với tổng số tín chỉ carbon (VCCs) ban hành đạt gần 30 triệu. Bên cạnh Cơ chế CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập.
Theo cơ sở sở dữ liệu của Dự án Carbon Berkeley, tính đến nay Việt Nam có 71 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 53 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ đươc phát hành lần lượt là 7.573.843 và 4.256.407. Ngoài ra, một số dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) và cơ chế của hội đồng carbon toàn cầu (GCC). Các dự án phát hành các tín chỉ carbon tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió), hộ gia đình và cộng đồng (phân huỷ sinh học, nước sạch, bếp nấu, chiếu sáng), quản lý rác thải và rừng.
Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM – Carbon Border Adjustment Mechanism), nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. CBAM sẽ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải khí nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, cần nhiều nghiên cứu, diễn đàn thảo luận chuyên sâu hơn để có thể phân tích đa chiều tác động của CBAM và tận dụng các lợi thế, phát triển các sáng kiến nhằm tăng tốc lộ trình đạt mục tiêu trung hòa carbon cho Việt Nam cũng như TP. Hồ Chí Minh.
TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Giảng viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, thị trường carbon tự nguyện cho phép tổ chức và cá nhân mua bán tín chỉ carbon để phục vụ một số mục đích liên quan đến bảo vệ môi trường hoặc muốn xóa bỏ "dấu chân" carbon.
Bà Nhung đánh giá là một thành phố năng động và phát triển nhanh chóng, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí (phát thải hơn 60 triệu tấn CO2/năm, chiếm khoảng từ 18-23% cả nước). TPHCM có nhiều đặc thù để phát triển thị trường tín chỉ carbon tự nguyện và có thể xem như thị trường “đi trước”, khơi được các lợi thế cả cung và cầu.
Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố, bao gồm:
Thứ nhất là giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon sẽ là công cụ hiệu quả giúp giảm thải khí nhà kính hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai là mang đến các hiệu quả kinh tế: Thị trường carbon sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các đầu vào sản xuất, từ đó góp phần gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và nâng cao năng lực cạnh tranh (Giả thuyết Porter). Đồng thời, việc phát triển thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp thành phố tạo nguồn thu đáng kể thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải KNK từ các nguồn năng lượng dồi dào như mặt trời, gió, và rác thải.
Thứ ba là tăng thu hút đầu tư và tạo việc làm. Thị trường carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế, v.v., thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới.
Thứ tư là nâng cao vị thế quốc tế: Việc tham gia vào thị trường carbon quốc tế sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, chuyên gia nhận định Việc khai thác các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 hiệu quả sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức và góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, năng động, sáng tạo, hiệu quả, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn trong khi vẫn đặt lợi ích môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.
Một thông tin tích cực cho các nỗ lực tìm kiếm cơ hội để khai phá thị trường carbon, “nói là làm”, là mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban Quản lý) đã có Tờ trình số 381/TTr-BHTĐT gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM.
Đây là dự án có tổng mức đầu tư là 5.775 tỷ đồng (tương đương 250 triệu USD), trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 170 triệu USD (tương đương 3.927 tỷ đồng), vốn tài trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD (1.155 tỷ đồng), vốn đối ứng của TP.HCM là 30 triệu USD (tương đương 693 tỷ đồng).
Dự án đề ra mục tiêu giúp Thành phố tăng tốc đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” thông qua đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải và xây dựng cơ chế, thể chế để hỗ trợ TP.HCM trong việc tạo và phát hành tín chỉ carbon chất lượng cao để giao dịch trên thị trường quốc tế.
Dự án đang nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp trong việc đầu tư hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà hành chính công và đầu tư chuyển đổi sang xe điện và đang được kỳ vọng khi thành công, sẽ là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực thu hút đầu tư tư nhân vào công cuộc thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh tại Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Trước đó, trong buổi gặp gỡ cùng lãnh đạo TPHCM, đại diệ WB khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho TPHCM trên hành trình chuyển đổi xanh, xây dựng thị trường tín chỉ carbon.
Hiện TPHCM đang cùng WB triển khai thị trường tín chỉ carbon, dự kiến sẽ hoàn thành khung của thị trường trong quý I/2024.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM mời gọi doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư lĩnh vực tăng trưởng xanh và công nghệ cao
15:04, 17/11/2023
Để Net Zero, kinh tế tuần hoàn không là “cam kết suông”
05:53, 12/12/2023
Doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero.
00:03, 16/11/2023
Hành động hướng tới Net Zero: Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp
13:37, 23/09/2023