Năm của bóng đá và lời tri ân

Trương Khắc Trà 02/02/2019 06:00

Trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi, sự biết ơn về một điều gì đó là lẽ thường tình phù hợp với truyền thống dân tộc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Năm 2018 trôi qua và bóng đá để lại dấu ấn khó phai, giờ là lúc xã hội phải tri ân những con người thầm lặng.Câu chuyện bóng đá và niềm hân hoan của hàng chục triệu người suốt một năm ròng rã - nếu mổ xẻ tận cùng mới thấy được nguyên lý giản đơn nhưng không dễ dàng, đó là: “muốn ăn quả phải trồng cây”.

Ai đứng sau những “bữa tiệc tinh thần” bổ dưỡng?

Bóng đá trẻ Việt Nam bỗng nhiên xuất thần ở vòng chung kết U23 Châu Á hồi đầu năm ở Thường Châu (Trung Quốc). Có không ít người đặt câu hỏi: Vị thần may mắn ưu ái quá chăng?

Dĩ nhiên, cuộc sống không thể không có sai số cho phép và phải cần đến vị thần may mắn nâng đỡ. Nhưng may mắn không thể xuất hiện mọi lúc mọi nơi, mà đó là kết quả của một quá trình nỗ lực của những con người tâm huyết, hết lòng vì quê hương.

Trong ánh hào quang bất ngờ nhưng xứng đáng, giữa hàng triệu niềm tự hào bất tận, người ta bắt đầu đi tìm nguyên nhân. Một trong những con người thầm lặng ấy chính là ông bầu, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Bóng đá, với nơi nào đó chỉ đơn thuần là môn thể thao, nhưng với người Việt - Đó là khi chúng ta thấy được sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc. 

Tháng 10/2007, bầu Đức khai trương Học viện bóng đá liên kết với câu lạc bộ Arsenal (Anh) mang tên HAGL- JMG, với số vốn khủng đến lúc này là 50 triệu USD và hàng ngàn mét vuông cao su phải chặt bỏ.

Năm 2014, lứa cầu thủ “gà son” đầu tiên trình làng, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn…đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy đá bóng và cách làm bóng đá ở Việt Nam. Diện mạo mới của nền bóng đá rục rịch chuyển mình.

“Đám trẻ nhà bầu Đức” là những cá nhân song toàn, hấp thụ văn minh bóng đá Châu Âu nhưng đạo đức sân cỏ, lối sống đời thường không bị bỏ quên. Họ trình diễn thứ bóng đá quyến rũ đủ sức tạo nên món ăn tinh thần và cứu rỗi một nền bóng đá đang lâm vào thoái trào vì tiêu cực ở thượng tầng và sự lạc lối nơi nhiều cầu thủ.
Tài năng của thầy Park đã được khẳng định, nhưng chính bầu Đức cũng là người gánh một phần lương không hề nhỏ cho vị thuyền trưởng xứ kim chi. Khi hái quả ngọt, doanh nhân phố núi vẫn lẳng lặng sau cánh gà, nhưng mọi ánh mắt ngưỡng mộ phải kiếm tìm.

Bầu Hiển đến với bóng đá muộn hơn so với những “công thần” của V-League, nhưng không ai có thể nghi ngờ tình yêu của ông với bóng đá, càng không thể nghi ngờ cách làm bóng đá một cách bài bản của ông.
Người ta có thể sẽ quên ngay chuyện bản quyền phát sóng World Cup 2018 trong khi say men chiến thắng của bóng đá nước nhà. Nhưng đó lại là một dấu ấn khó phai của tỷ phú Forbes Phạm Nhật Vượng (Vingroup), và Tập đoàn công nghiệp viễn thông Viettel. Nếu không có cái chung tay đầy trách nhiệm ấy, sẽ là thiệt thòi rất lớn với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Một viễn cảnh đầy hứa hẹn khi tập đoàn Vingroup quyết định đầu tư 30 triệu USD đào tạo bóng đá trẻ, một trung tâm bóng đá hoành tráng tiêu chuẩn cao mọc lên, được dự báo cho “ra lò” nhiều tài năng trong những năm tới.

Nhưng ít ai biết rằng, cách đây đúng 10 năm, Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam PVF đã được thành lập bởi tập đoàn Vingroup và hoạt động phi lợi nhuận nhằm đào tạo các cầu thủ trẻ cho bóng đá Việt Nam.

Vingroup còn khát khao mục tiêu lớn là mang bóng đá Việt Nam đến với sân chơi World Cup. Đúng vậy! Thành công lớn không có chỗ cho ước mơ nhỏ!

Niềm tin vào doanh nghiệp, doanh nhân

Được sống trong những tháng ngày phơi phới do bóng đá mang lại, nhưng đó không những là chuyện để người Việt được hưởng trọn không khí ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, bay cao ở đấu trường châu lục, hay nâng cao chiếc Cup vô địch bóng đá Đông Nam Á

Mà tất cả nói lên một điều rằng, doanh nghiệp, doanh nhân đang là rường cột của đất nước này. Họ là tầng lớp tinh hoa trong xã hội, họ tiên phong trong mọi xu thế, vì họ là những người có trí tuệ, có nội lực.
Tâm huyết là chìa khóa mở cánh cửa đến thành công, bóng đá là lĩnh vực không dễ đầu tư và sinh lời, ngành “công nghiệp thể thao” rất khó nhằn với con tính làm sao để có lãi. Nếu không đủ tâm huyết, hẳn nhiều người không đủ can đảm đổ hàng đống tiền vào trò chơi đầy rủi ro xoay quanh trái bóng tròn.

Hẳn nhiên, đó là con đường dựng xây thương hiệu vững bền trong lòng công chúng, ít ai biết rằng HAGL là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam xuất hiện ở sân cỏ Châu Âu. Và hơn thế nữa là “trách nhiệm xã hội” cao quý, là sứ mệnh họ đang thực hiện và mang lại kết quả mãn nguyện.

Không chỉ với bóng đá, mà tất thảy mọi lĩnh vực, ngành nghề, nếu người kinh doanh hội đủ nhiệt huyết với một tinh thần “phụng sự xã hội” ắt hẳn sẽ thành công. Và sự thành công đôi khi không chỉ là lợi nhuận bằng tiền. Đó còn là tiếng thơm muôn đời - không một vật chất nào có thể mua được.

Làm gì để tạo ra lớp doanh nhân mang trong mình sứ mệnh cao cả “phụng sự xã hội”? Đây là câu hỏi khó, nhưng buộc phải có đáp án.

Bóng đá, với nơi nào đó chỉ đơn thuần là môn thể thao, nhưng với người Việt - nó mang lại thật nhiều điều bổ ích. Đó là khi chúng ta thấy được sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc. Không điều gì khác ngoài sức mạnh kinh tế được hậu thuẫn bởi đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đủ đầy tâm huyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm của bóng đá và lời tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO