Nam Định: Đẩy mạnh số hóa sản phẩm OCOP

BÙI HIỀN 10/07/2024 00:06

Việc số hóa các sản phẩm OCOP giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng mở ra thêm những cơ hội mới cho nông sản địa phương trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Đưa sản phẩm “lên sàn”

Với lợi thế là tỉnh có vùng đất nông nghiệp lâu đời, trù phú, có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, năm 2019, tỉnh Nam Định triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Từ sau khi đẩy mạnh hoạt động, Nam Định được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP tốt trên cả nước.

Tính đến nay, toàn tỉnh Nam Định có hơn 430 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nổi bật như Nghêu thịt hộp Lenger, Gạo sạch chất lượng cao 888, Gạo sạch Toản Xuân… Chủ yếu các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn là các sản phẩm thuộc ngành thực phẩm với khoảng 402 sản phẩm OCOP (93,3%); 15 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (3,5%); 4 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (0,9%); 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (0,7%); 7 sản phẩm sinh vật cảnh (1,7%) được phân bố rộng khắp tại các xã, huyện của tỉnh Nam Định.

Những năm gần đây, nhận thấy việc chuyển đổi số mở ra thêm cơ hội mới trong việc tiếp cận, giới thiệu thông tin sản phẩm tới nhiều khách hàng thông qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân của tỉnh đã chủ động khai thác thế mạnh này.

1.Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bắt nhịp với hình thức giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bắt nhịp với hình thức giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội

Ông Vũ Ngọc Duy – Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh phấn khởi chia sẻ: Chúng tôi vừa xây dựng được một phòng trưng bày, đồng thời cũng là studio quay phim, livestream giới thiệu các sản phẩm của công ty đến khách hàng. Hiện, tôi cũng thường xuyên livestream quảng bá sản phẩm tại các nền tảng như YouTube, Tik Tok, Facebook, Zalo. Tôi cũng kết nối với các đơn vị vận chuyển để tạo mạng lưới phân bố rộng rãi sản phẩm của đơn vị, đồng thời, tiếp cận thêm được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sen Đỏ… đã được công ty tôi thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập và cũng đạt được nhiều hiệu quả tích cực.

Bên cạnh các gian hàng thương mại điện tử, ông Duy cũng lập thêm website riêng, các trang mạng xã hội cũng có hàng chục nghìn người theo dõi. Các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp ông Duy phải kể đến tinh bột củ sen, trà củ sen (là các sản phẩm OCOP 3 sao) đều được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, công dụng, hướng dẫn sử dụng. Đây cũng là cách tạo dựng thêm niềm tin, uy tín về chất lượng của sản phẩm với người tiêu dùng. Mỗi tháng, công ty xuất bán được khoảng 10 tấn sản phẩm chế biến từ củ sen, trong đó có đến 50% sản phẩm được bán trên sàn.

Cũng giống như ông Duy, ông Đinh Văn Thuận - Giám đốc Công ty Yến sào Đinh Thuận, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu cho biết doanh nghiệp luôn nỗ lực thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm OCOP 3 sao của mình trên các sàn thương mại điện tử. Ông Thuận đã chủ động đưa sản phẩm đi phân tích thành phần, hoàn thiện mẫu bao bì, tem mác, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại điện tử, hội chợ. Từ đó, sản phẩm của cơ sở Yến sào Đinh Thuận có tốc độ tiêu thụ nhanh chóng. Đặc biệt, doanh số được cũng tăng đáng kể từ các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik Tok, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki chiếm khoảng 20%. Việc chuyển đổi số trong bán hàng mang lại hiệu quả cao hơn phương thức truyền thông vì bán được nhiều hàng hơn, giảm chi phí đi lại, chi phí mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng…

Đồng hành cùng doanh nghiệp số hóa

UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các ban ngành có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về công nghệ, bảo vệ bản quyền sản phẩm, phương thức bán hàng…

Ông Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định chia sẻ: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số và triển khai đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đây là thời cơ cho đơn vị tiếp cận thêm được nhiều đối tác, khách hàng mới trên khắp cả nước, xa hơn là thúc đẩy kinh tế số ngành nông nghiệp toàn tỉnh tăng trưởng.

Tới nay, UBND tỉnh Nam Định cũng đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ban ngành liên quan phát triển 2 sàn thương mại điện tử là sàn Postmart của Bưu điện Việt Nam và sàn VOSO của Bưu chính Viettel hỗ trợ thêm cho người dân. Tính tới thời điểm hiện tại, có gần 177.000 hộ sản xuất có sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử, hơn 201.000 hộ sản xuất kinh doanh được tập huấn kỹ năng số, gần 2.000 sản phẩm nông sản OCOP được bán và giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.

Tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện phát triển các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính để làm hạ tầng cho thương mại điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 337 điểm bưu chính có người phục vụ, cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu chuyển phát của người dân và doanh nghiệp, làm hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng số cộng đồng cho người dân như kỹ năng thiết lập và cài đặt các thiết bị số, sử dụng smartphone, khai thác internet, sử dụng các phần mềm ứng dụng và các nền tảng số, đặc biệt phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, bán hàng trực tuyến... Mục tiêu của tỉnh là hình thành đội ngũ nông dân số gắn liền với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thúc đẩy kinh tế số tại tỉnh; đưa các ứng dụng khoa học công nghệ để làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân, tạo ra giá trị gia tăng cao, sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

2.UBND tỉnh Nam Định luôn đồng hành cũng các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế số

UBND tỉnh Nam Định luôn đồng hành cũng các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế số

Mặt khác, UBND tỉnh Nam Định cũng thường xuyên tổ chức các ngày hội livestream với hình thức hiện đại, chuyên nghiệp. Đây là sân chơi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã được quảng bá, giao lưu, học hỏi thêm về sản phẩm, nhãn mác, công nghệ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hữu - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định chia sẻ: Chương trình OCOP đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại. Việc này khẳng định quá trình đổi mới hoàn toàn phù hợp với chính quyền điện tử, chuyển đổi số của địa phương đặt ra. Thông qua việc áp dụng công nghệ của các hợp tác xã, doanh nghiệp giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân. Hiện nay, nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã biết ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội…

Việc triển khai hoạt động bán hàng qua các sàn thương mại điện tử đang bảo đảm duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đồng thời, cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng uy tín về sản phẩm OCOP của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. Do đó, việc tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội là hành động đúng đắn trong xu hướng phát triển kinh tế số như hiện nay, hình thành phương thức mua bán nông sản an toàn, hiện đại dưới sự giám sát, quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng cho Nam Định.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững

    Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững

    04:30, 02/06/2024

  • Nam Định: “Tấm vé thông hành” để đưa nông sản đi xa

    Nam Định: “Tấm vé thông hành” để đưa nông sản đi xa

    01:59, 23/04/2024

  • Doanh nghiệp liên kết để “đồng chất” nông sản xuất khẩu

    Doanh nghiệp liên kết để “đồng chất” nông sản xuất khẩu

    03:00, 09/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Đẩy mạnh số hóa sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO