Nam Định: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng thúc đẩy thu hút đầu tư

DƯƠNG THÀNH 21/12/2023 15:06

Những năm qua, tỉnh Nam Định luôn chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy thu hút đầu tư.

Để thúc đẩy thu hút đầu tư, Nam Định đã tập trung khai thác, huy động, ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, giao thông đối ngoại có tính động lực, chiến lược lâu dài.

 UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với Tập đoàn Quanta

UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với Tập đoàn Quanta

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng

Tháng 9/2023, tỉnh Nam Định đã triển khai thi công dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình, vốn đầu tư 1.450 tỉ đồng, sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là dự án thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo, triển khai.

Trước đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm, chiến lược khác đã được tỉnh Nam Định huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, triển khai thi công trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thiện thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh, dài 65,58km tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng đang được tỉnh tập trung triển khai thi công. Tuyến đường dài 46 km, đi qua địa bàn hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.326,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, cuối năm 2022 tỉnh đã khởi công tuyến đường bộ mới TP. Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, dài gần 25 km, đi qua địa bàn 5 huyện (Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy). Sau khi hoàn thành, tuyến đường nối trung tâm tỉnh với vùng biển này sẽ giảm tải cho QL21 chật hẹp, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các huyện phía Nam của tỉnh đi vào TP Nam Định, tới Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, Nam Định tập trung phát triển hạ tầng nhiều KCN, CCN. Ngoài các KCN đã thành lập, hoạt động ổn định từ trước, như KCN Hòa Xá (TP Nam Định), KCN Bảo Minh, KCN Mỹ Trung, tỉnh có thêm một số KCN mới, đang trong quá trình thu hút đầu tư như KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng, rộng trên 500 ha); KCN Mỹ Thuận (Mỹ Lộc, rộng hơn 150 ha).

Đột phá thu hút đầu tư

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, đến hết tháng 11 năm 2023, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 51 dự án với tổng số vốn đăng ký 2.345 tỷ đồng và 331,6 triệu USD. Trong đó, UBND tỉnh đã ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta để sản xuất máy vi tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Tập đoàn JiaWei thực hiện Dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm Melamine với tổng mức đầu tư 42 triệu USD...

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng đã chấp thuận chủ trương tiếp nhận dự án sản xuất găng tay y tế của Công ty TNHH Y tế Bình An tại KCN dệt may Rạng Đông với tổng số vốn đăng ký 150 triệu USD; Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tư tại KCN Hải Long... Đây là những doanh nghiệp, dự án lớn có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Có được kết quả thu hút đầu tư trên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, những năm qua Nam Định đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bao gồm công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất; nguồn nhân lực; nỗ lực thực hiện giải phóng mặt bằng; thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư…

Trong đó, toàn tỉnh có 1.716 thủ tục hành chính (TTHC) được niêm yết công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; trong đó có 1.248 TTHC, đạt 74%, được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; tỉnh xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

Đặc biệt, tỉnh Nam Định đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo ngành thuế thực hiện giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,... Ngành ngân hàng tích cực hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Có thể bạn quan tâm

  • Nam Định: Xác định đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá

    Nam Định: Xác định đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá

    22:20, 16/12/2023

  • Nam Định và Pháp có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác đầu tư

    Nam Định và Pháp có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác đầu tư

    17:54, 08/12/2023

  • Nam Định: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

    Nam Định: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

    01:30, 08/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng thúc đẩy thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO