Nam Định: Tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại

TRUNG THÀNH 18/07/2023 00:06

Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được tỉnh Nam Định vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

>>>Nam Định: Kiên quyết với “cát tặc”

Từ chủ động triển khai...

Từ đầu năm tới nay dịch COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh ngày càng phát triển, lợi dụng tình hình này các đối tượng đã tổ chức hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (BLGLTM) với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Để chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động BLGLTM, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng trên địa bàn Nam Định đã có nhiều nỗ lực, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, cũng như người tiêu dùng.

Theo Ban Chỉ đạo 389, thời gian qua gian lận thương mại tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả qua các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mai

Nhờ đó, các hoạt động kiểm tra, quản lý và phòng, chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả… được triển khai đồng đều trên các tuyến, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, quá trình kiểm tra đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng cấm, hàng lậu và hàng giả trên địa bàn.

Theo Cục Quản lý thị trường: Nắm rõ quy luật về tình trạng gian lận thương mại dễ bùng phát mạnh mẽ khi nền kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động bị giảm sút, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định đã chủ động triển khai phương án kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. 

Lực lượng Quản lý thị trường Nam Định tổ chức tiêu hủy sản phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh báo Nam Định)

Lực lượng Quản lý thị trường Nam Định tổ chức tiêu hủy sản phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh báo Nam Định)

Ngay từ đầu năm 2023, Cục QLTT Nam Định đã tập trung lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch và thực hiện kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên nhằm đẩy lùi các tệ nạn, góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật.

Thực hiện chủ trương đó, các đội QLTT phụ trách địa bàn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng liên ngành kịp thời ngăn chặn, xử lý gian lận thương mại ngay từ nơi tập kết trước khi phân phối trên diện rộng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng: xăng dầu, khí hóa lỏng, quần áo, túi xách, thuốc lá, rượu, bia, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... với tổng số kiểm tra 403 vụ, xử lý vi phạm 253 vụ (giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm 2022), phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng. Trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 750 triệu đồng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Cục QLTT đã kiểm tra 131 lượt, xử lý 72 vụ, phạt hành chính và thu giữ hàng hóa với tổng giá trị gần 176 triệu đồng; xử lý 37 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí mỏ hóa lỏng, phạt tiền trên 442 triệu đồng; lĩnh vực thương mại điện tử kiểm tra 3 lượt, xử lý 3 vụ, phạt trên 60 triệu đồng, tịch thu, tiêu huỷ hàng hóa trị giá 46.293 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số lượt kiểm tra giảm 20% nhưng vụ việc xử lý vi phạm chỉ giảm 3% và giá trị tiền thu phạt nộp về ngân sách Nhà nước và giá trị tịch thu hàng hóa tăng gần 40% đã khẳng định phương pháp làm việc khoa học, trách nhiệm và kiên quyết không bỏ lọt vi phạm trong hoạt động nghiệp vụ của lực lượng QLTT Nam Định.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên (ảnh báo Nam Định)

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên (ảnh báo Nam Định)

Tiêu biểu là lực lượng QLTT đã liên tiếp phát hiện tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) có 1 hộ và tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) có 2 hộ kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu thời trang Yody đã được Nhà nước bảo hộ. Lực lượng chức năng đã phạt hành chính, thu giữ hơn 1.000 áo phông người lớn, trẻ em mang nhãn hiệu Yody giả và buộc các cơ sở vi phạm phải tiêu hủy, phá bỏ dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trên sản phẩm.

Tháng 3/2023, Cục QLTT tỉnh Nam Định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 tổ chức với số tiền trên 300 triệu đồng về hành vi: “Cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối” và “Thương nhân phân phối xăng dầu có hành vi bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối”.

Nhờ đó, diễn biến thị trường trên địa bàn tỉnh hiện tại cơ bản ổn định, không xảy ra tình hình phức tạp về buôn bán, kinh doanh hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại.

...đến quyết liệt đẩy lùi

Theo QLTT tỉnh: Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng Nam Định sẽ tập trung kiểm tra các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.

Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm SHTT, hàng kém chất lượng.

Hướng dẫn và phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Cục QLTT đã kiểm tra 131 lượt, xử lý 72 vụ, phạt hành chính và thu giữ hàng hóa với tổng giá trị gần 176 triệu đồng (ảnh minh họa)

Cục QLTT đã kiểm tra 131 lượt, xử lý 72 vụ, phạt hành chính và thu giữ hàng hóa với tổng giá trị gần 176 triệu đồng (ảnh minh họa)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm về an toàn thực phẩm để người dân biết chủ động phòng tránh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ của công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiện nay thì nhân lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trang thiết bị, kinh phí đặc thù cho lực lượng QLTT còn nhiều hạn chế. Trong khi khối lượng công việc lớn, các đối tượng buôn bán, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả hoạt động với thủ đoạn và trang thiết bị hỗ trợ ngày càng hiện đại và tinh vi. Công tác dự báo chưa chủ động, thiếu nhạy bén.

Hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên môi trường mạng ngày càng phát triển, là loại hình kinh doanh rất khó quản lý, kiểm soát; trong bối cảnh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng QLTT chưa đồng đều dẫn tới kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Dự báo 6 tháng cuối năm 2023, hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Theo Cục QLTT: Để đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình kế hoạch đã được Cục QLTT tỉnh Nam Định ban hành như: Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023; Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu năm 2023; Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2023.

Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Đặc biệt tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các kho, bến bãi, điểm tập kết, cơ sở kinh doanh cố định có dấu hiệu chứa chấp hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực nông thôn, biên giới biển; xây dựng và triển khai các chương trình, giải pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo lĩnh vực, chuyên ngành.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình kiểm tra thị trường, các vụ việc, vấn đề nổi cộm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đến quần chúng nhân dân, giải quyết kịp thời bức xúc trong dư luận.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu

    Quảng Ninh: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu

    01:36, 17/07/2023

  • Quảng Ninh: Triển khai số hóa trong công tác quản lý thuế

    Quảng Ninh: Triển khai số hóa trong công tác quản lý thuế

    00:06, 16/07/2023

  • Quảng Ninh: Nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

    Quảng Ninh: Nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

    09:31, 15/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO