Nhận thức được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những năm gần đây, Nam Định ban hành những cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
>>>Nam Định: Đưa công nghệ số để cải thiện năng suất lao động
Thúc đẩy toàn diện
Theo lãnh dạo tỉnh Nam Định: Thời gian qua, các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn, kiến thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cùng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đã góp phần từng bước phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Là doanh nghiệp đầu tiên tham gia triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lượng, huyện Ý Yên đã được Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Nam Định phối hợp với đơn vị tư vấn chương trình OCOP. Từ đó định hướng phát triển, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm bằng việc thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã bao bì, tem nhãn, chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng website tuyên truyền... Sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân” đã được UBND tỉnh Nam Định quyết định công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP với số điểm tương đương xếp hạng 5 sao.
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc công ty TNHH Toản Xuân cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ khi công ty được đơn vị chức năng giúp đỡ hoàn thiện sản phẩm OCOP, đồng thời được hỗ trợ, trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch (Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định) và tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Đến nay, lượng gạo và thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty đã được mở rộng. Công ty đã hoàn thiện các khâu nhãn mác, tem kiểm định chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tập trung quảng bá sản phẩm, đồng thời chú trọng thực hiện các biện pháp giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm...
Theo tỉnh Nam Định: Ngoài chính sách chung của tỉnh, các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực... đã ban hành thêm các chính sách khuyến khích của địa phương nhằm khai thác, phát huy các lợi thế tại địa bàn như hỗ trợ trồng cây vụ đông, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa và xây dựng nông thôn mới (NTM)... Khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã từng bước gia tăng sức thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù được đánh giá còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro nhưng nông nghiệp của tỉnh cũng đã từng bước thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của hơn 100 nghìn lao động. Kinh tế phát triển đa dạng đã giúp tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và làm thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ dân nông thôn.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp: Toàn tỉnh đã có 2.974 cơ sở, doanh nghiệp chuyên sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó, đáng kể 33 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng hoá chủ lực của tỉnh với sự tham gia của doanh nghiệp như: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân và Công ty TNHH Cường Tân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương; chuỗi chăn nuôi tiêu thụ lợn sữa, lợn choai của Công ty TNHH Công Danh, chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ dược liệu của các công ty dược trên địa bàn tỉnh; chuỗi sản xuất, chế biến ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam...
Toàn tỉnh có gần 20.000 hộ sản xuất, kinh doanh đã không ngừng cải thiện chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu, nâng tầm sản phẩm đạt các chuẩn chất lượng cao, như là quy chuẩn của Chương trình OCOP... nâng cao hiệu quả hoạt động của 142 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Cùng với các nghề truyền thống, có sẵn ở địa phương, các doanh nghiệp còn du nhập và phát triển một số nghề mới như: may công nghiệp, mây tre đan, tranh thêu, mộc mỹ nghệ… góp phần tạo thêm nhiều sinh kế mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp.
Nhiều vấn đề cần quan tâm
Theo tỉnh Nam Định: Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Do sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường, cùng với năng suất lao động thấp so với công nghiệp, dịch vụ nên chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư. Vì vậy, tổng số doanh nghiệp và tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn, kinh tế nông nghiệp chưa thực sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ tại địa bàn vùng nông thôn có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ, còn thiếu vốn, hạn chế về công nghệ, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu...
Để nâng cao hiệu quả huy động vốn doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp.
Tiếp tục cải thiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tại nông thôn; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về vốn cho sản xuất nông nghiệp nông thôn; thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo.
Trong đó, cùng với các chính sách của Trung ương, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng chú trọng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số; tạo thuận lợi nhất để phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc – Công ty Bắc Việt: Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, tỉnh Nam Định cần quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ.
Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, nhất là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong đó thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các địa phương. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn.
Có thể bạn quan tâm