Xác định nhân lực số là khâu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, Nam Định đẩy mạnh triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS.
>>>Nam Định: Doanh nghiệp dệt may nỗ lực ứng phó khan hiếm đơn hàng
Nhu cầu cần thiết
Theo tỉnh Nam Định: Để chuyển đổi số (CĐS) thành công, cùng với thể chế và công nghệ thì phát triển nguồn nhân lực số là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.
Với giải pháp chú trọng đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực hiện có và phát triển nhanh tổ công nghệ số cộng đồng làm nòng cột xây dựng công dân số đã góp phần quan trọng giúp quá trình CĐS của tỉnh đạt được những kết quả vượt bậc.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), hiện toàn tỉnh có 85 cán bộ chuyên trách về CNTT, 50 cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin và 3.300 công chức, viên chức sử dụng các phần mềm mã nguồn mở thông dụng trong công việc ở các cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, có trên 100 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động; khoảng 10 nghìn doanh nghiệp có kết nối internet băng rộng. Trong đó có 1.550 sinh viên chuyên ngành CNTT và truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Với yêu cầu của nhiệm vụ CĐS, tỉnh đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên đặc biệt thích ứng với yêu cầu CĐS.
Để khắc phục những bất cập này, thời gian qua, Sở TT và TT đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực hiện có và phát triển nhanh tổ công nghệ số cộng đồng làm nòng cột xây dựng công dân số. Trong đó, đối với cán bộ công chức, viên chức, Sở phối hợp với Bộ TT và TT tổ chức phổ biến kiến thức, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho 3.850 cán bộ, lãnh đạo từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; 22.780 người CĐS gắn với các lĩnh vực phát triển đô thị thông minh; thương mại điện tử; nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường. Hơn 40 nghìn lượt người trên các nền tảng số Cốc Cốc, trực tuyến mở Onetouch, mạng xã hội và hơn 2.500 cán bộ công chức xã được hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nội dung CĐS trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 226 xã, phường, thị trấn với tổng số trên 16 nghìn thành viên, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận, khai thác các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống. Từng bước thay đổi tư duy và phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành CĐS tại địa phương, đơn vị. Kịp thời cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh nguồn lực tại chỗ, Sở TT và TT huy động hơn 200 cán bộ, công nhân viên chuyên trách của 11 doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tham gia hỗ trợ CĐS cho người dân trong tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn đã nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu CĐS. Các trường đã liên kết hợp tác với những trường đại học, trung tâm đào tạo uy tín trong nước và quốc tế để đào tạo hàng nghìn sinh viên chuyên ngành CNTT.
Tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển các trụ cột kinh tế số, xã hội số cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đẩy mạnh đào tạo...
Được biết, theo kế hoach năm 2023, Nam Định cần khoảng 35.000 nhân lực công nghệ số để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn. Ông Hoàng Đức Trọng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho biết: Năm 2022, Sở LĐ-TB và XH Nam Định đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.011 lượt người lao động (đạt 109,41% kế hoạch năm, tăng 545 lượt người so với năm 2021). Tuyển sinh dạy nghề được 35.200 người (trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 2.967 người) đạt 100% kế hoạch năm.
Trong đó toàn tỉnh có hàng chục nghìn người dân được đào tạo kỹ năng số cơ bản. Nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm.
Theo tổng hợp của Cổng dịch vụ công quốc gia, cuối tháng 2/2023, Nam Định là tỉnh đầu tiên đạt màu xanh trên Bản đồ đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công với tỷ lệ trên 80% hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho CĐS, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 tất cả lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về CĐS để chỉ đạo thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình.
Mọi người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đến năm 2030, 90% dân số trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ cấp tiểu học đến THPT có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số. Tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong tỉnh tham gia mô hình “Giáo dục đại học số”.
Phấn đấu 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia. Trong đó đào tạo, bồi dưỡng tối thiểu 20 chuyên gia CĐS được cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới nhất về công nghệ số để hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS của tỉnh và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý làm công tác tham mưu CĐS trong các địa phương, cơ quan Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về CĐS, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước và người dân, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ CĐS.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút nhân lực CNTT, tăng cường mối quan hệ, hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông (VNPT, Viettel, FPT) trong việc hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực CNTT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng đào tạo và thuê nhân sự CNTT (hợp đồng vụ việc - theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương) trong giai đoạn chưa bố trí đủ nhân lực theo nhu cầu để đáp ứng yêu cầu công việc
Với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, Nam Định tiếp tục phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền móng bứt phá để phát triển, hội nhập.
Có thể bạn quan tâm