Với lợi thế bờ biển dài 72 km, Nam Định có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch biển. Tỉnh đã chú trọng đến các sản phẩm tạo điểm nhấn để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
>>>Nam Định: Hướng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế chủ lực phía Bắc
Nhiều tiềm năng
Theo ông Nguyễn Đắc Lợi – đại diện Công ty Du lịch Xanh, Nam Định có 72km bờ biển nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy)... Các khu du lịch biển của Nam Định còn có thể kết nối với các khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, hình thành nên các tour du lịch tổng hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, với vùng rừng ngập mặn Nghĩa Hưng thuộc Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng là vùng đất ngập nước nằm giữa hai cửa sông Đáy và sông Ninh Cơ (nhánh của sông Hồng). Hệ sinh thái vùng đất ngập nước này khá đa dạng phong phú. Sinh cảnh rừng ngập mặn cùng với môi trường trong lành, gần khu nghỉ dưỡng sinh thái Rạng Đông, trong tương lai sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn.
Trong đó, vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú - Vườn quốc gia Xuân Thủy (đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng) bởi các giá trị nổi bật về địa hình và hệ sinh thái của Vườn quốc gia này đặc biệt hơn các nơi khác trong cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, đạt được ba điều nhất đó là “Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất”
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, đẩy mạnh du lịch để phát triển bền vững kinh tế biển, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện lưới, bưu chính viễn thông, xử lý môi trường…) và dự án phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật chuyên ngành du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí...).
Tại 2 khu du lịch biển Thịnh Long và Quất Lâm, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ gồm: đường kè, đường dạo ven biển, đường giao thông dân sinh, hệ thống cấp, thoát nước, đèn điện chiếu sáng, dịch vụ bưu chính viễn thông.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển du lịch của Trung ương và các nguồn vốn khác của địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm. Khu vực bãi biển Rạng Đông (Nghĩa Hưng) hiện đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm biển. Sinh cảnh rừng ngập mặn cùng với môi trường trong lành, lại gần khu nghỉ dưỡng sinh thái Rạng Đông, khu vực bãi biển Rạng Đông trong tương lai sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn.
Việc đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch của tỉnh, trọng tâm là nâng cấp các tuyến đường đã giúp du khách tiếp cận với các địa điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn. Qua đó kích thích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí và mua sắm phương tiện vận chuyển phục vụ khách du lịch.
Theo Sở VHTTDL, hiện nay, các khu du lịch biển của tỉnh có khoảng gần 200 khách sạn, nhà nghỉ và cơ sở dịch vụ ăn uống được đầu tư xây dựng với các trang thiết bị hiện đại để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của khách du lịch. Lượng khách đến các khu du lịch sinh thái biển chiếm khoảng trên 20% tổng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh, trong đó 50% số khách lưu trú ở lại qua đêm.
Ngoài khách du lịch đến các khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long, hàng năm khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng đón từ 14 nghìn đến 20 nghìn lượt khách đến nghiên cứu, du lịch tham quan, trải nghiệm… Doanh thu dịch vụ tại các khu du lịch này chiếm tỷ trọng ngày càng cao (chiếm 15-20% tổng doanh thu du lịch của cả tỉnh).
Kích cầu du lịch biển
Sở VHTTDL thông tin, để thu hút du khách, kích cầu du lịch biển, thời gian qua các huyện ven biển đã tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch từ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đến tháng 8 hàng năm. Các khu du lịch biển Quất Lâm - huyện Giao Thủy, Thịnh Long – huyện Hải Hậu và một số bãi biển đẹp, khu nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng ven biển của tỉnh đã trở thành những điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Nhiều địa phương đã đón số lượng khách tăng nhanh sau một thời gian dài “im ắng” bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Khu du lịch biển Quất Lâm có diện tích 200ha với 3,5km bãi biển; có 113 ki-ốt, 8 khách sạn cùng hàng chục nhà nghỉ, các cơ sở dịch vụ khác; mỗi năm đón hàng vạn khách du lịch trong và ngoài tỉnh về tắm biển, nghỉ dưỡng.
Thực hiện quy hoạch đô thị thị trấn Quất Lâm đến năm 2030 của UBND tỉnh và kế hoạch của UBND huyện Giao Thủy về việc giải tỏa ki-ốt của các hộ kinh doanh sau khi hết hạn thuê đất tại Khu du lịch biển Quất Lâm, đến nay, việc giải tỏa, tháo dỡ các ki-ốt sát biển để cải tạo, mở rộng, xây dựng công viên ven biển đã hoàn thành. Để chuẩn bị cho mùa du lịch biển 2023, UBND thị trấn Quất Lâm đã ban hành kế hoạch quản lý, tổ chức hoạt động du lịch.
Theo Ban quản lý Khu du lịch biển Quất Lâm, đơn vị đã tăng cường quảng bá du lịch. Trong đó phối hợp với lực lượng Công an thị trấn duy trì tổ an ninh trật tự, ngăn chặn tệ nạn xã hội, mại dâm; thành lập tổ vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải; nghiêm túc thực hiện bố trí phương tiện; phân công người túc trực cứu hộ, cứu nạn...
Lãnh đạo Thị trấn Thịnh Long cho biết, địa phương có lợi thế bờ biển dài, bãi biển đẹp cùng hệ thống giao thông đi lại thuận tiện; cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; có các sản phẩm đặc trưng vùng miền; con người Hải Hậu thân thiện, mến khách. Những năm qua, thị trấn Thịnh Long đã có nhiều giải pháp khuyến khích thu hút đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển dịch vụ du lịch nghỉ mát, tắm biển với 113 khách sạn, nhà hàng, ki-ốt, trên 1.000 phòng nghỉ được duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu của du khách.
Một số khách sạn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng như: các khách sạn 2 sao Tân Thịnh, Hải Âu; nhà nghỉ du lịch Hải Long đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch…
Được biết, từ năm 2018, UBND thị trấn Thịnh Long đã thành lập hợp tác xã xe điện du lịch với hơn 40 ô tô điện đưa du khách đi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, nhà thờ, mua sắm quà lưu niệm ở các chợ quanh thị trấn.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ luôn được chính quyền địa phương quan tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách, từng bước nâng tầm thương hiệu và sản phẩm du lịch Hải Hậu, và phù hợp với quy hoạch của đô thị loại IV thị trấn Thịnh Long.
Với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và người dân các huyện ven biển cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, việc xây dựng các điểm, khu du lịch biển đang dần góp phần vào phát triển kinh tế biển của tỉnh, xây dựng hình ảnh du lịch biển Nam Định là điểm đến an toàn, thân thiện với du khách.
Có thể bạn quan tâm