Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà máy sản xuất màng bọc công nghệ cao của Tập đoàn Sunrise Material (Singapore), mỗi năm sẽ nhập khẩu 200 triệu USD và xuất khẩu 500 triệu USD.
>>>Quảng Bình phát triển lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư
>>>Thái Bình: Thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản
Lãnh đạo tỉnh Nam Định vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sunrise Material (Singapore), doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất, cung cấp màng bọc polyme công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng gói thực phẩm.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn Sunrise Material cho biết, tập đoàn đang có nhu cầu sử dụng 4ha đất để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc công nghệ cao phục vụ đóng gói chi tiết sản phẩm của ngành công nghiệp, chuyên cung ứng cho thị trường Mỹ.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Sunrise Material, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này có lợi thế là nước thải không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng nhiều điện năng. Tập đoàn này muốn tìm hiểu về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía tỉnh Nam Định để đưa ra quyết định đầu tư.
Đối với các nhu cầu của Tập đoàn Sunrise Material, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định Phạm Gia Túc gợi ý, trong số nhiều khu, cụm công nghiệp của tỉnh, Khu công nghiệp Mỹ Thuận hiện đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng hiện đại, sở hữu tính kết nối lưu thông cao với sân bay, cảng biển và có quỹ đất đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của Tập đoàn. Nam Định cũng đã thiết kế 2 nguồn điện riêng phục vụ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, do đó tỉnh cam kết không cắt điện, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Dự án đầu tư của Tập đoàn đề xuất thuộc lĩnh vực Việt Nam và Nam Định đang ưu tiên thu hút đầu tư. Vì vậy tỉnh sẽ đảm bảo áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp được hưởng lợi cao nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vì vậy các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh cũng được hưởng nhiều chính sách thuận lợi, nhất là ưu đãi về thuế - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định còn đề xuất Tập đoàn Sunrise Material tiếp tục nghiên cứu, có quyết định hợp lý về việc đầu tư tại Nam Định. Bởi Nam Định hiện đang là điểm đến được nhiều Tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và trên thế giới đánh giá là hấp dẫn với các điểm nhấn về thái độ thân thiện, tinh thần nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến, tiếp cận, thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư. Vấn đề gỡ khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hết sức nhanh gọn từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng. Các nhà đầu tư cũng đánh giá cao những lợi ích được hưởng theo cơ chế, chính sách tỉnh đã áp dụng.
>>>Bà Rịa – Vũng Tàu: “Điểm sáng” thu hút đầu tư
>>>Thái Bình: Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư
Ngay sau buổi làm việc, Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với giá trị 100 triệu USD tại Nam Định.
Chủ tịch Tập đoàn Sunrise Material Song Jian Xin khẳng định, sau khi Dự án hoàn thành mỗi năm sẽ nhập khẩu 200 triệu USD và xuất khẩu 500 triệu USD và Dự án sẽ có sản phẩm sau 15 tháng thi công. Đồng thời hoạt động sản xuất của Tập đoàn mang tính tự động hóa, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận được khởi công xây dựng hạ tầng ngày 25/11/2021, rộng hơn 158ha, do Công ty CP xây dựng hạ tầng Đại Phong làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1.621 tỷ đồng. Khu công nghiệp này nằm ven đại lộ Thiên Trường nối tỉnh Hà Nam với tỉnh Nam Định, cách trung tâm TP Nam Định chỉ vài km, liền kề Quốc lộ 21 và 21B, cách Hà Nội 80 km, cách Hải Phòng 100 km. Đây là Khu công nghiệp được đánh giá có vị trí rất thuận lợi trong kết nối hạ tầng giao thông và logistic.
Trước đó, tháng 4/2023, Nam Định đã thu hút Dự án nhà máy sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận và cũng là dự án đầu tiên tỉnh Nam Định thu hút được vào đầu tư tại Khu công nghiệp này.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp, Tập đoàn Quanta Computer sẽ đầu tư nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi máy tính với công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm trên tổng diện tích dự án hơn 225.000m2 tại lô CN14 thuộc khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.829 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD), trong đó hơn 1.178 tỷ đồng (41,67%) là vốn của nhà đầu tư, phần còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư dự kiến công suất năm 2024 sẽ sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính xách tay/máy tính để bàn, năm 2025 sản xuất 2,6 triệu máy, năm 2026 sản xuất 3,6 triệu máy, năm 2027 sản xuất 4 triệu máy, năm 2028 sản xuất 4,5 triệu máy.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) và các doanh nghiệp phụ trợ của tập đoàn này cũng đã quyết định đầu tư 3 dự án tại khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD trên diện tích đất gần 15ha.
Cụ thể, Tập đoàn JiaWei đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao quy mô 8,5ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD. Công ty Thiên Hà đầu tư nhà máy in phụ trợ quy mô 2,5ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Công ty Tân Việt Hưng đầu tư nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ quy mô 3,3ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Ngay từ khi mới thành lập, Nam Định đã kỳ vọng Khu công nghiệp Mỹ Thuận sẽ thu hút được các dự án sản xuất công nghệ cao, nhanh chóng được lấp đầy diện tích, tạo “đột phá” về thu ngân sách cho tỉnh.
Có thể bạn quan tâm