Để thu hút được các thị trường quốc tế trở lại, ngành du lịch Quảng Nam đang tích cực xây dựng sản phẩm mới phù hợp cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có.
>>"Trợ lực" cho ngành du lịch Việt Nam trong chặng đường mới
Trong định hướng phát triển ngành du lịch, dịch vụ du lịch đã được tỉnh Quảng Nam xác định là ngành dịch vụ ưu tiên trong xuyên suốt các hoạt động. Và trong năm 2023, doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 18.683 tỷ đồng đã cho thấy chất lượng dịch vụ đang được nâng cao thông qua con số phục vụ.
Theo đánh giá chung của khách du lịch, chất lượng dịch vụ tại Quảng Nam đang ngày càng nâng cao tạo được điểm nhấn trong mắt du khách. Và với địa phương, khi chất lượng nâng cao và những kết quả mang lại đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Quảng Nam, từ đó cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thân của cộng đồng.
Với mục tiêu phát triển du lịch trong tương lai, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch phát triển địa phương thành một trong những trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước. Cùng với đó, Quảng Nam cũng lên chương trình xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm Quốc gia và Quốc tế.
Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời, Quảng Nam cũng sẽ tính toán kỹ đến việc phát triển du lịch hướng mở về khu vực nông thôn, miền núi gắn với du lịch xanh.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương sẽ triển khai liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tour, tuyến vòng tròn du lịch trong tỉnh và giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết. Đồng thời, vị này cũng cho biết Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư cho sản phẩm du lịch, dịch vụ, hướng đến xây dựng thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, gắn với phát triển mạnh tại các địa bàn trọng điểm du lịch, liên kết chặt chẽ với khu vực và các hành lang kinh tế để mở rộng phát triển và nâng cao sức cạnh tranh.
“Đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của địa phương. Các dịch vụ, sản phẩm mới sẽ được phát triển theo hướng xanh, bền vững để vun đắp thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, ông Hồng nói.
Cũng theo vị này, một trong những vấn đề mà ngành du lịch quan tâm đó là tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế và tài nguyên của từng địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm mới cũng phải phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam, ttrong đó có một số loại hình du lịch đường thủy theo các tuyến đường sông, đường biển.
“Tỉnh khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đổi mới, sáng tạo và sẽ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình khởi nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch trải nghiệm, hội nghị, sinh thái, các sự kiện thể thao kết hợp du lịch song song với đề án kinh tế đêm”, ông Hồng cho biết thêm.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay ngành du lịch Hội An sẽ tập trung xây dựng một số sản phẩm mới về kinh tế đêm phù hợp với du khách. Cụ thể, sẽ có 2 khu vực “tĩnh-động” để phục vụ các nhu cầu khác nhau của khách du lịch.
“Ngoài ra, cũng đã có một đơn vị được chấp thuận đầu tư các sản phẩm về du lịch biển, đảo như dù lượn, lướt sóng,... sẽ triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt, với không gian ban đêm sẽ được quy định rõ về các sản phẩm phục vụ du khách, để khách du lịch có thể vui chơi giải trí tại địa phương. Bên cạnh đó là không gian văn hóa, các sự kiện ban đêm nơi “vùng tĩnh” sẽ được nâng cấp, các sản phẩm tạm dừng sẽ được phục hồi trở lại”, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay.
Với Quảng Nam, một địa phương nằm trong nhóm đầu về thu hút khách quốc tế của cả nước sẽ có thêm nhiều yêu cầu khắt khe về du lịch trong bối cảnh mới. Cùng với sự thay đổi về nhu cầu của thị trường khách nội địa, chất lượng dịch vụ du lịch bắt buộc phải được nâng cao, cùng với đó là thay đổi trong cách làm du lịch của địa phương.
Trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay địa phương sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là thu hút các dự án du lịch cao cấp khu vực ven biển. Song song với đó, tỉnh này cũng sẽ thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đô thị, du lịch trọng điểm ở khu vực vùng Đông.
Quảng Nam cũng sẽ chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm mới làm “vệ tinh” cho hai di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, gắn du lịch với các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn,... Đồng thời, phát triển du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng,...
Đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ thì Quảng Nam cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch như sân bay Chu Lai, các dự án nghỉ dưỡng,... Đặc biệt, trong định hướng đầu tư phát triển ngành du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam tập trung thu hút đầu tư, xây dựng các tổ hợp vui chơi giải trí - mua sắm - ẩm thực gắn với kinh tế đêm tại TP.Hội An và TP.Tam Kỳ để kéo dài ngày lưu trú và tăng mức chi tiêu trung bình ngày của khách du lịch đến Quảng Nam, nâng cao hiệu quả kinh doanh ngành du lịch.
Có thể bạn quan tâm