Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng

Nguyễn Long 21/04/2018 10:09

Báo DĐDN- VCCI và các đơn vị chuyên môn của NHNN tổ chức Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính - cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng” nhằm tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Theo Báo cáo 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Tiếp cận tín dụng năm 2018 của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. Cả về điểm số và thứ hạng, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của khu vực OECD và Đông Á - Thái Bình Dương.

p/Ngành ngân hàng đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngành ngân hàng đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vướng mắc tiếp cận tín dụng

Phát biểu tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết, ngành ngân hàng đã có đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Một yêu cầu mới cấp bách là khơi thông mạnh hơn nữa vốn cho nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp. Đây là các yếu tố sẽ góp phần quan trọng định hình tương lai kinh tế Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

  TS. Đào Minh Tú cho rằng, xu hướng đặt ra là tăng cường minh bạch hóa các chỉ số hành chính trong tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và ngân hàng, không chỉ riêng gì các doanh nghiệp IPO, doanh nghiệp lên sàn, …

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV vẫn còn gặp một số vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng. Trong đó, một vấn đề lớn được các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo nói trên là tài sản thế chấp của doanh nghiệp không đủ điều kiện, vướng mắc này thuộc về quy định của pháp luật. Còn trách nhiệm tháo gỡ thuộc về Quốc hội và Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế NHNN, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, hiện có phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp còn hạn chế.
“Hiệu quả đầu tư tín dụng đối với DNNVV chưa cao do trình độ quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động sản xuất kinh doanh thường mang tính tự phát, thiếu chiến lược cụ thể, sức chịu đựng rủi ro thấp trước biến động của kinh tế vĩ mô, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm.

Phá vỡ rào cản tín dụng

Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, các doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng, tồn tại và lớn mạnh bằng cách nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ hoặc thông qua hoạt động M&A với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn hóa và minh bạch hóa thông tin về hoạt động kinh doanh và năng lực tài chính để tạo niềm tin từ các ngân hàng tài trợ vốn.

Để giải quyết vấn đề vướng mắc nhất của doanh nghiệp là tài sản thế chấp, TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất cần tập trung vào sự đa dạng của tài sản thế chấp. Trong đó, một loại tài sản gọi là tài sản bất động, một tài sản gọi là động, cái mà WB đánh giá rất cao là tài sản động.

Ngoài ra, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp cần sự hợp tác từ 2 phía. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, về phía các TCTD, cần thiết kế các sản phẩm đặc thù, phù hợp đối với từng đối tượng khách hàng; đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng đã thiết kế. Có biện pháp linh hoạt về tài sản đảm bảo (nhận tài sản ngoài bất động sản…), tăng cường cung cấp các dịch vụ (tư vấn, đào tạo, thông tin, hội thảo…) cho khách hàng. Còn phía doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động, báo cáo tài chính; chủ động cải cách hành chính, phối hợp với TCTD trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định cải cách hành chính là rất quan trọng, chứ không phải chỉ là cung ứng sản phẩm dịch vụ. Bởi vậy, NHNN không chỉ thực hiện mà còn đặt ra trách nhiệm cho toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian tới để tiếp tục công khai, minh bạch, cắt bỏ thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Thời gian tới, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương cùng ngân hàng và doanh nghiệp là cách giải quyết kịp thời và thiết thực nhất để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO