Các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
>>Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp logistics mở rộng thị trường
Số liệu cho thấy, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, số hội viên của VLA (Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam) cũng gia tăng và đến hết tháng 9/2021 đạt gần 500 hội viên. Một số doanh nghiệp logistics cũng đã tham gia chương trình Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) và nâng cao chất lượng cải thiện mối quan hệ với khách hàng quốc tế.
Theo báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, tỷ lệ số doanh nghiệp lĩnh vực vận tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.
Trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời có 571 số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.
Hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam đang diễn ra sôi động hơn trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra cùng với xu hướng dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi. Bởi hạn chế của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nên hoạt động M&A chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp có khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn.
“Quy mô doanh nghiệp hạn chế là một trong những rào cản khi cung cấp chuỗi dịch vụ logistics hiệu quả, cạnh trạnh ngay cả trên thị trường nội địa, chứ chưa nói trên khu vực và thế giới”, ông Đỗ Xuân Quang, Phó chủ tịch Thường trực VLA nhận xét.
>>Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp logistics mở rộng thị trường
>>Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp logistics hậu đại dịch Covid-19
Theo PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam; Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp logistic Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa cũng nhận định, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Mặc dù doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 95%, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.
Để góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PL (Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng) và 4PL (Cung cấp dịch vụ logistics thứ tư hay logistics chuỗi phân phối, hay nhà cung cấp logistics chủ đạo), dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới... - PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa đề nghị.
Theo ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam hiện nay đa phần có quy mô vừa và nhỏ với thị trường phân mảnh, thiếu sự liên kết sâu rộng và chưa có tính chuyên môn hóa cao, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ nối tiếp còn thấp. Trong khi đó, thị trường dịch vụ logistics trong nước chủ yếu tập trung vào các mảng dịch vụ kho bãi, vận tải đường bộ có tính cạnh tranh gay gắt vì những yếu tố khách quan khác khiến chi phí tăng cao. Các hoạt động logistics đầu – cuối của doanh nghiệp trong nước hầu như không theo kịp được với các doanh nghiệp nước ngoài vốn đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý chuỗi logistics.
Để có được những doanh nghiệp logistics mạnh, theo ông Minh là ngoài việc chú trọng vào việc cung cấp vụ logistics với chất lượng và tiêu chuẩn cao nhất, các doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống có thể thích ứng linh hoạt với những biến động thị trường.
Đặc biệt, cần đề cao quá trình chuyển đổi số trong quản lý logistics thông qua những ứng dụng cảng điện tử, giám sát tự động ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc khách hàng, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội cho doanh nghiệp logistics
03:00, 18/11/2021
Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp logistics mở rộng thị trường
04:00, 15/11/2021
Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp logistics hậu đại dịch Covid-19
15:24, 10/11/2021
Đường sắt "bắt tay" doanh nghiệp logistics khép kín chuỗi vận tải
00:38, 03/11/2021