Chuyện làm ăn

Nâng cao tỉ lệ nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ

MINH CHÂU thực hiện 05/08/2024 02:26

Mặc dù đang có một số lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN hay như Trung Quốc, Ấn Độ, sản lượng xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chưa cao.

toa-da-m-thach-thu-c-vo-n-3.jpg
Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

Đó là chia sẻ của bà Trương Thị Chí Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) với DĐDN. Ước tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chỉ trực tiếp xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD giá trị hàng hóa, còn lại chủ yếu xuất khẩu gián tiếp qua khách hàng là các công ty FDI tại Việt Nam hoặc các công ty đa quốc gia tại Việt Nam.

- Đâu là ưu thế của Việt Nam trong hành trình khẳng định năng lực, lợi thế cạnh tranh trên sân chơi của ngành công nghiệp hỗ trợ, thưa bà?

Trong bối cảnh này, nếu muốn hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng ta cần có những động thái phát triển thị trường phù hợp. Sản phẩm công nghiệp chế biến có thể xuất khẩu rất đa dạng như các sản phẩm liên quan đến điện, cơ khí, nhựa, điện tử, cao su…nhưng khó nhất vẫn là yêu cầu thành phẩm.

Ví dụ, đối với ngành linh kiện xe máy, xe đạp, doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt ở thị trường nội địa. Do đó, chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu lớn và yêu cầu kỹ thuật cao tại các nước Liên minh Châu Âu (EU).

Tôi cho rằng, về lâu dài, đối với các lĩnh vực trong ngành công nghiệp hỗ trợ, yếu tố quan trọng nhất chính là sự hỗ trợ và tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư. Đầu tư các dự án cơ khí yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp vì vậy rất khó thu hút nhà đầu tư. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án sản xuất cơ khí chế tạo áp dụng công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

cnht2.jpg
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện chủ yếu xuất khẩu gián tiếp qua khách hàng là các công ty FDI. Ảnh: N.Thanh

Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển các vườn ươm doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động ươm tạo doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế bảo lãnh tín dụng để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay dài hạn nhằm đầu tư phát triển.

- Bà nhận định ra sao về sự liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI?

Phải thừa nhận rằng, kết nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, tình trạng liên kết yếu và chưa chặt chẽ thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn thấp. Vì vậy, cải thiện hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa là yêu cầu đặt ra để thu hút nhiều hơn nữa nguồn FDI.

Tôi cho rằng nếu chỉ chờ các doanh nghiệp FDI cho cái gì để làm thì mãi mãi chỉ làm được các linh kiện bên ngoài. Đương nhiên vẫn có giá trị nhưng sẽ luôn yếu kém hơn đối tác cung ứng thân thiết của họ. Với những doanh nghiệp sắp tới đầu tư ở Việt Nam chúng ta cần nắm bắt trước nhu cầu để các doanh nghiệp cung ứng nội địa chuẩn bị, tạo cơ hội và gia tăng sự hợp tác chặt chẽ hơn. Còn nếu để các doanh nghiệp FDI vào thị trường rồi mới tính thì rất khó để “chen chân” bởi họ đã có các nhà cung ứng sẵn có.

- Đâu là giải pháp mấu chốt nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, thưa bà?

Phải nhìn nhận rằng, Việt Nam là nước “đi sau” trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Việt Nam vẫn luôn trải thảm đỏ và thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp FDI nội địa hóa còn khá dè dặt. Do đó, phải có chế tài đủ mạnh để các doanh nghiệp FDI thực hiện được tỷ lệ nội địa hóa, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước sản xuất linh kiện, phụ kiện; đưa ra các tiêu chí và biện pháp khuyến khích cũng như chế tài xử phạt những doanh nghiệp FDI không thực hiện đúng cam kết về tỷ lệ nội địa hóa. Chính phủ và các ban, bộ ngành liên quan cần tiếp tục quyết liệt và quyết liệt hơn nữa trong việc “thúc ép” các doanh nghiệp FDI cam kết nội địa hóa. Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để giữ chân dòng vốn FDI.

Công nghiệp hỗ trợ vẫn luôn được xác định là lĩnh vực quan trọng, không chỉ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Chính vì vậy, để tiếp tục tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, bên cạnh sự nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất của mỗi doanh nghiệp thì hệ thống cơ chế chính sách về công nghiệp hỗ trợ cần được hoàn thiện và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Tôi cho rằng có như vậy công nghiệp hỗ trợ mới có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và phát triển bền vững.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng cao tỉ lệ nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO