Sáng nay (28/11), Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn với tổng mức đầu tư hơn 546 tỉ đồng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cảng Quy Nhơn cho biết, với thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2023, việc đầu tư nâng cấp bến số 1 sẽ đưa công suất xếp dỡ, thông qua hàng hóa của Cảng Quy Nhơn từ 8.000.000 tấn/năm lên đến 15.000.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng như mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn cho cảng Quy Nhơn.
Đầu tư mở rộng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ
Dự án đầu tư nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn có tổng mức đầu tư 546,37 tỷ đồng, dự kiến thi công khoảng 420 ngày.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn nằm trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Cảng Quy Nhơn sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha (gấp 3 lần hiện nay).
Theo đó, bến số 1 sẽ được mở rộng ra phía khu nước trước bến hiện tại thêm 35 m (tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480 m), đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT) đầy tải. Kết cấu bến cũng được tính toán thiết kế đảm bảo neo cập cho tàu hàng tổng hợp, container 50.000 tấn (DWT) đầy tải trong giai đoạn sau, phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng Quy Nhơn đã được phê duyệt tại quyết định số 2370/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ GTVT.
"Triển khai dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp bến số 1 thể hiện quyết tâm của VIMC nói chung và Cảng Quy Nhơn nói riêng trong việc cam kết với Chính phủ và UBND tỉnh Bình Định trong việc đầu tư mở rộng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ để đáp ứng lượng hàng thông qua cảng đến 2025 đạt 15 triệu tấn, góp phần đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định, miền Trung và Tây Nguyên" - ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Năm 2021 là năm đột phá của Cảng Quy Nhơn trong công tác đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác cảng biển, từng bước hình thành “Hệ sinh thái công nghệ cảng biển”, hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt, tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng, theo định hướng “Lấy khách hàng làm trung tâm”. Đến nay, Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống kiểm soát, khai báo y tế và thu cước cơ sở hạ tầng tự động; ứng dụng các phần mềm tài chính, nhân sự tiền lương, phần mềm quản lý, khai thác dịch vụ cảng biển (TOS).
Đẩy mạnh ứng dụng điện tử - Xu hướng chuyển đổi số của VIMC
Cũng trong sáng nay, trong khuôn khổ Lễ Khởi công dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp Bến số 1 - Cảng Quy Nhơn, Cảng Quy Nhơn ra mắt cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử (Eport, EDO) và Hệ thống quản lý khai thác cảng biển (TOS) được nâng cấp mới cho khách hàng trên tiêu chí: Phù hợp với sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Trong đầu năm 2022, Cảng Quy Nhơn sẽ đưa vào sử dụng, vận hành chức năng EDI tự động và thanh toán trực tuyến qua các hình thức thanh toán điện tử hiện nay. Ứng dụng công nghệ này giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu hàng hóa thực tế 24/7, đảm bảo tính trung thực và tiết kiệm chi phí quản lý hàng hóa trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ cảng biển; nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng, cải tiến thủ tục quy trình giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi, tiến tới thanh toán điện tử hoàn toàn.
Việc đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử -Eport đã đáp ứng được xu hướng chuyển đổi số của VIMC, đồng thời góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, Cảng Quy Nhơn phải áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ”, không thực hiện tăng ca, không tiếp xúc giữa các lực lượng sản xuất với nhau, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Cảng Quy Nhơn vẫn duy trì ổn định, phát triển, tăng trưởng hầu hết các chỉ tiêu chính.
Đến thời điểm ngày 28/11/2021, sản lượng đạt 10,7 triệu tấn (đạt 105% kế hoạch 2021), doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng (đạt 135% kế hoạch 2021). Như vậy, Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành sớm kế hoạch năm 2021 trước 1 tháng.
Dự kiến hết năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn ước đạt 11,5 triệu tấn, doanh thu ước đạt 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 355 tỷ đồng cao nhất trong lịch sử 45 năm hình thành và phát triển của Cảng Quy Nhơn. Nhịp tăng trưởng tốt giúp cải thiện đời sống người lao động, thu nhập bình quân của người lao động năm 2021 đạt 18,5 triệu đồng (tăng trưởng hơn 40% so với năm 2018).
Sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1, đưa vào khai thác hệ thống Eport đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Cảng Quy Nhơn trong giai đoạn vừa qua, xứng đáng với vai trò là một doanh nghiệp cảng biển quan trọng của VIMC tại khu vực miền Trung, giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông.
Có thể bạn quan tâm
Khai trương tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia - Ấn Độ của VIMC
16:09, 25/11/2021
VIMC vào top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020
15:03, 08/12/2020
Vinalines chính thức giành lại quyền kiểm soát cảng Quy Nhơn
23:24, 29/06/2019
Khẳng định vị thế Việt Nam trong hệ thống cảng biển quốc tế
06:02, 18/11/2021