Khi các trường đại học không trực tiếp “lựa chọn” cho mình những tân cử nhân thì chuyện “chạy marathon” bằng polymer có nguy cơ xuất hiện.
Trong vô vàn các loại bệnh mà con người mắc phải, có một thứ bệnh mà y học hoàn toàn đứng ngoài cuộc, đó là “bệnh thành tích”. Trong nhiều ngành, nhiều người mắc căn bệnh này, giáo dục thường được nhắc đến nhiều nhất.
Cứ nói đến “bệnh thành tích” người ta nghĩ ngay đến nhà trường, chiêu trò xưa như quả đất nhưng hiệu quả cũng nhất hành tinh chính là “nâng điểm”. Chỉ cần giám khảo “thoáng” hơn chút xíu là có thêm vài hoặc vài chục con ngoan trò giỏi, tùy theo bối cảnh.
Tỷ lệ giỏi, khá, trung bình, yếu là nòng cốt của báo cáo thi đua dạy và học vào cuối năm, nơi nào giỏi càng nhiều thì bộ sưu tập thành tích càng dày hơn, được tuyên dương là thứ gì đó rất dễ gây nghiện.
Tận một nơi miền núi hẻo lánh như Hà Giang “con tính” nâng điểm đã được triển khai trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua và bị phát hiện cách đây chưa lâu. Trừ môn văn, 8 môn thi trắc nghiệm đều được “bồi dưỡng” điểm!
Trong 11 thí sinh có điểm các môn cao nhất cả nước, Hà Giang có 3, riêng môn được ví “khó như Lý” Hà Giang có 65 điểm 9 trở lên, chiếm 6,7% thí sinh dự thi. Cao hơn rất nhiều so với Hà Nội, TP HCM…
Có thể bạn quan tâm
|
Nhưng, vụ việc ở Hà Giang có đơn giản là nâng điểm để lấy thành tích? Khi mà kết quả thi THPT Quốc gia được lấy để xét vào đại học! Khi mà kỳ thi quốc gia bây giờ người ta không chỉ quan tâm đỗ hay trượt, điểm số còn lấy làm điều kiện quyết định tương lai con người.
Lại nói về đại học, một thời “cổng trường đại học cao vời vợi/ mười thằng vươn tới chín thằng rơi”, người ta ví những thí sinh là “sĩ tử”, rậm râu sâu mắt tu luyện để góp nhặt từng điểm số quý giá trong phòng thi.
Thi đại học là nơi không có chỗ cho các mối quan hệ, tiền bạc không thể đâm thủng bức tường dày cộp - nơi chỉ có khoảng 25 con người “vũ khí” duy nhất là cây bút và cái đầu.
Vì thế mà cử nhân thời đó quý như vàng, đại học là tấm vé thông hành trên con đường vinh thân phì gia. Nhưng thật xót xa, đại học và trên đại học bây giờ có như không, không như có. “Rớt giá đại học” là cuộc khủng hoảng thừa thật sự đang diễn ra khắp cả nước.
Đổi mới giáo dục nói chung và “gộp thi” nói riêng không nằm ngoài mục đích cứu nền giáo dục đang lâm trọng bệnh. Nhưng ngay khi các thầy cô trong trường đại học không được quyền “lựa chọn” cho mình những tân cử nhân thì chuyện “chạy marathon” bằng polymer có nguy cơ xuất hiện.
Những con điểm cao nhất của thí sinh Hà Giang có thể đưa các em vào những trường đại học hàng đầu, cái hại trước mắt là đó không phải thực lực của các em, chất lượng sinh viên những trường đại học hàng đầu bị đe dọa.
Sự công bằng cho những thí sinh khác không được nâng điểm cũng bị đánh cắp, một khi việc chấm thi bị đưa ra xa các trường đại học thì nguy cơ tiêu cực điểm số tăng lên, khâu coi thi, chấm bài dễ bị “tiếp cận” hơn.
Như vậy, các thầy cô ở trường phổ thông không xử lý một kỳ thi tú tài thông thường, họ còn làm nhiệm vụ lớn hơn là tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Hà Giang đã bị lộ, liệu còn bao nhiêu nơi chưa bị phát hiện? Mặc dù sĩ tử không còn vất vả đổ dồn về các trung tâm để dự kỳ thi đại học, nhưng quá trình “nộp - rút” cho thấy mệt mỏi chẳng kém khăn gói “lên kinh ứng thí”, giờ xuất hiện tình trạng nâng điểm!
Làm rõ những tiêu cực phát sinh từ “gộp thi” là cơ sở đánh giá tính khả thi của bước đổi mới này.