Năng lực cạnh tranh xuất khẩu và sự phát triển của thương mại Việt Nam

RAMALA KHALIDI - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam 02/10/2023 03:07

Xuất khẩu vẫn là trọng tâm của chiến lược phát triển dù một số ý kiến cho rằng tốc độ toàn cầu hóa đang chững lại hoặc tâm lý bảo hộ gia tăng ở các nước thu nhập cao.

>>Ngành nông nghiệp kiên định mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD

Hội nhập quốc tế thường được coi là không phù hợp hoặc đối lập với tự chủ kinh tế. Những người ủng hộ quan điểm quốc gia tự cường kêu gọi “tiêu thụ những gì chúng ta sản xuất và sản xuất những gì chúng ta tiêu dùng” để giảm tiếp xúc với các thị trường xuất nhập khẩu khó đoán trước và đôi khi không ổn định, để bảo hộ nhu cầu trong nước. Quan điểm này vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và thu hút được nhiều sự ủng hộ ở Châu Âu và Bắc Mỹ để phản ứng lại sự trỗi dậy của Đông Á với tư cách là công xưởng sản xuất toàn cầu.

Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã cho thấy hội nhập quốc tế và an ninh kinh tế thực ra là bổ trợ cho nhau chứ không đối kháng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra rằng, chỉ có thể đạt được và duy trì sự tự cường nếu có vị thế kinh tế vững chắc, và cạnh tranh toàn cầu là động cơ kích thích hiệu suất, tính năng động và sự thịnh vượng. Nói một cách ngắn gọn, không có mâu thuẫn giữa hội nhập kinh tế quốc tế và tự cường quốc gia.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ IV năm 2022: Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Cam kết của Chính phủ Việt Nam về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thông qua hội nhập đã thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng trong ba thập kỷ. Tăng cường xuất khẩu, không ngừng đa dạng hóa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới tiếp tục đóng vai trò sống còn trong việc xây dựng khả năng phục hồi của đất nước. Xuất khẩu vẫn là trọng tâm của chiến lược phát triển dù một số ý kiến cho rằng tốc độ toàn cầu hóa đang chững lại hoặc tâm lý bảo hộ gia tăng ở các nước thu nhập cao đã làm giảm khả năng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 68,92 tỷ USD.

9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 68,92 tỷ USD.

Báo cáo này có ba điểm chính.

Thứ nhất, ở nhiều nước đang phát triển, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có mối tương quan chặt chẽ với tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là tăng trưởng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu. Trong một vài trường hợp ngoại lệ, các nước đang phát triển bị hạn chế về ngoại hối, có nghĩa là việc tiếp cận với đô la (hoặc các loại tiền tệ khác có thể được sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ quốc tế) là một yếu tố hạn chế đối với tốc độ tăng trưởng GDP. Tăng trưởng xuất khẩu nới lỏng hạn chế ngoại hối vì xuất khẩu không tạo ra các khoản nợ tài chính bằng đồng đô la —khác với trường hợp vay nợ nước ngoài hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ hai, khả năng duy trì tăng trưởng xuất khẩu phản ánh khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu, hoặc khả năng duy trì hoặc tăng thị phần toàn cầu của các nhà sản xuất trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ của mình. Hai thước đo phổ biến để đánh giá khả năng cạnh tranh là độ co giãn của cầu của mặt hàng xuất khẩu theo giá và theo thu nhập . Bản tóm tắt chính sách này giới thiệu hai phép đo đơn giản về năng lực cạnh tranh để ước tính độ co giãn thương mại bằng các chỉ số dễ tính toán và theo dõi. Chúng tôi sử dụng phép đo này để chứng minh Việt Nam đã tăng thị phần trên thị trường thế giới ở nhiều loại mặt hàng. Hơn nữa, Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa đang gia tăng tỷ trọng trong thương mại thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam cực kỳ cạnh tranh về giá và đang tăng cường sự có mặt của mình trên thị trường các mặt hàng xu thế và tăng trưởng nhanh.

Thứ ba, báo cáo tóm tắt chính sách đưa ra bằng chứng để kết luận rằng tăng trưởng kinh tế ở các nước có thu nhập trung bình và thấp có liên quan chặt chẽ với khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu theo cả hai nghĩa: tăng thị phần trên tất cả các mặt hàng và xuất khẩu hàng hóa có tỷ trọng thương mại toàn cầu ngày càng tăng.

Báo cáo này đưa ra kết luận chính sách là tăng trưởng xuất khẩu và xuất khẩu mặt hàng gì đều quan trọng. Việt Nam đã đúng khi theo đuổi chính sách tự lực thông qua hội nhập, nhằm tăng thị phần đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, bao gồm cả những hàng hóa và dịch vụ xu hướng mà thế giới ngày càng cần.

Hàng hóa xu hướng không chỉ giới hạn ở hàng hóa sản xuất với công nghệ cao hoặc phức tạp: nhiều ngành sản xuất truyền thống, như hàng may mặc và giày dép, và hàng hóa nông nghiệp, cũng có tính xu hướng theo nghĩa là nhu cầu đối với những hàng hóa này đang tăng lên trên toàn cầu.

Về lâu dài, Việt Nam có thể sẽ mất khả năng cạnh tranh trong một số mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm về giá, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất thâm dụng lao động. Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc chiếm lĩnh thị trường mới, đặc biệt là các thị trường hàng hóa và dịch vụ mà nhu cầu toàn cầu đang tăng lên.

>>Nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 38 tỷ USD

Xuất khẩu và tăng trưởng

Dù có quan điểm trái chiều về nhiều vấn đề, nhưng các nhà kinh tế học đều thống nhất rằng: xuất khẩu có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế thuộc trường phái tân cổ điển lập luận rằng thương mại phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Những người theo trường phái cấu trúc coi xuất khẩu là một công cụ để xác định lợi thế kinh tế nhờ quy mô trong sản xuất và nới lỏng hạn chế ngoại hối đối với tăng trưởng.

Dù theo học thuyết nào, các bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế đều đáng tin cậy: các quốc gia đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bền vững sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Mối quan hệ này không bị chi phối bởi mẫu và giai đoạn nghiên cứu.

Một số ý kiến phản biện rằng xuất khẩu và tăng trưởng GDP có liên quan với nhau vì xuất khẩu ròng là một thành phần của GDP, và do đó, mệnh đề này nghiễm nhiên đúng. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách trừ xuất khẩu khỏi GDP và kiểm định mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP phi xuất khẩu (GDP trừ xuất khẩu ròng) và tăng trưởng xuất khẩu. 

Đo lường năng lực cạnh tranh xuất khẩu

Sau khi đã xác định xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để các quốc gia có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian dài? Làm thế nào các quốc gia có thể đảm bảo rằng hàng hóa và dịch vụ của họ luôn giữ được thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế?

Xuất khẩu tăng và giảm theo nhu cầu toàn cầu, mức độ cải thiện năng lực quản lý và công nghệ trong nước và những thay đổi về giá cả. Chi phí phát sinh để đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế đã tăng lên trong những năm gần đây cùng với sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực, tâm lý bảo hộ gia tăng, kéo theo sự gia tăng các quy tắc và tiêu chuẩn nhập khẩu. Sự suy yếu của các cơ chế thực thi và xét xử đa phương đã khiến các quốc gia tìm cách bảo vệ thị trường thông qua các biện pháp không công bằng.

Lợi thế kinh tế nhờ quy mô đóng vai trò chính trong tăng trưởng năng suất, và khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Ví dụ, các doanh nghiệp xuất khẩu động vật có vỏ lớn thường đầu tư vào các cơ sở sản xuất giống và nuôi con non để đảm bảo nguồn cung cấp con non ổn định với giá ổn định. Tích hợp theo chiều dọc giúp kiểm soát chặt hơn khâu sản xuất, tiêu chuẩn hóa và tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Trong tất cả các lĩnh vực, việc tăng quy mô sản xuất tạo ra cơ hội “vừa học vừa làm” hoặc tăng lợi nhuận hiệu quả. Dù với quy mô nào, doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ lợi thế kinh tế nhờ quy mô ngoại sinh, chẳng hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần và giao thông, kiến thức và kỹ năng tích lũy được trong các doanh nghiệp và trường đại học tại địa phương. Ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu trong nước không đủ để hình thành các khu chế xuất, nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động cùng một ngành hoặc một phân khúc ngành.

Sự thay đổi về giá tương đối ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của những hàng hóa và dịch vụ có sẵn sản phẩm thay thế. Nếu giá màn hình video của Hàn Quốc tăng do chi phí lao động tăng, thì một số thị phần sẽ rơi về tay các quốc gia xuất khẩu màn hình khác. Tuy nhiên, đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ, không có sẵn sản phẩm cạnh tranh thay thế, sản lượng xuất khẩu của những hàng hóa, dịch vụ này này không bị ảnh hưởng nhiều bởi thay đổi về giá.

Khối lượng xuất khẩu gạo tăng (hoặc ít nhất là không giảm) khi giá tăng do người tiêu dùng châu Á không muốn thay thế gạo bằng các loại ngũ cốc khác. Trong hầu hết các loại hàng xuất khẩu, hiệu ứng thu nhập, công nghệ và sở thích định hình nhu cầu thị trường hơn giá tương đối.

Trong nhiều yếu tố, duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian dài lại phụ thuộc vào thành phần của hàng xuất khẩu. Tăng trưởng được duy trì ổn định khi các quốc gia xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có nhu cầu toàn cầu đang tăng lên, nhưng không bị co giãn về giá. Sản xuất máy fax hoặc ổ đĩa mềm với giá rẻ nhất không phải là một chiến lược tốt vì nhu cầu toàn cầu đối với những sản phẩm này đang giảm.

Ngược lại, các nhà xuất khẩu lithium đang được hưởng mức giá cao hơn và tăng khối lượng xuất khẩu - ít nhất là vào thời điểm hiện tại - khi thế giới chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Sản xuất hàng hóa co giãn theo thu nhập - nghĩa là khách hàng sẽ mua nhiều hơn khi thu nhập của họ tăng lên - cũng giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu. Điện thoại di động, quần áo xa xỉ, các sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đắt tiền như dâu tây hữu cơ và hàu là những sản phẩm có độ co giãn thu nhập cao.

Định luật Thirlwall cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn bị giới hạn bởi tỷ lệ giữa tăng trưởng xuất khẩu với hệ số co giãn của nhu cầu nhập khẩu theo thu nhập. Tăng trưởng xuất khẩu là một hạn chế ràng buộc đối với tăng trưởng GDP vì hiệu ứng thu nhập tác động mạnh hơn đến cán cân thanh toán so với hiệu ứng giá cả.

Ở các nước đang phát triển, định luật Thirwall được chứng minh trong thực tiễn vì biến động giá— thay đổi trong tỷ giá hối đoái thực hoặc giá xuất nhập khẩu - trong hầu hết các trường hợp bị giới hạn trong một biên độ hẹp, và do đó bị chi phối bởi hiệu ứng thu nhập. Ở các nước đang phát triển, độ co giãn theo giá của hàng nhập khẩu thấp do các sản phẩm thay thế cho nhiều mặt hàng thiết yếu không có sẵn ở thị trường trong nước.

Những lỗ hổng trong thống kê thương mại quốc tế gây khó khăn trong việc tính toán độ co giãn của giá cả và thu nhập đối với xuất nhập khẩu. Bản tóm tắt chính sách này áp dụng hai thước đo đơn giản về khả năng cạnh tranh để so sánh hiệu suất xuất khẩu của các quốc gia theo thời gian. Chỉ số đầu tiên, ở đây gọi là “năng lực cạnh tranh”, là tỷ lệ phần trăm thu nhập xuất khẩu tích lũy đối với hàng hóa mà quốc gia đó đã tăng thị phần toàn cầu giữa hai thời điểm. Các quốc gia có khả năng cạnh tranh theo nghĩa này đã có thể tăng thị phần ở hầu hết các thị trường xuất khẩu mà họ tham gia.

Chỉ số thứ hai, ở đây gọi là “năng lực cạnh tranh xu hướng”, đo lường tỷ trọng xuất khẩu của một quốc gia bao gồm hàng hóa mà tổng nhu cầu toàn cầu đã tăng lên. Ví dụ, chất bán dẫn là một hàng hóa xu hướng, vì nhu cầu xuất khẩu đã tăng nhanh theo tỷ lệ phần trăm trong tổng thương mại thế giới.

Ngược lại, máy fax không phải là hàng hóa xu hướng vì thị phần của chúng trong thương mại toàn cầu đã giảm. Danh sách 20 mặt hàng năng xu hướng nhất trong giai đoạn 2003-2018. Các mặt hàng sản xuất có giá trị cao chiếm ưu thế trong danh sách: linh kiện và thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính, công tắc điện, bóng bán dẫn và pin; dược phẩm và hóa chất; và linh kiện máy bay. Tuy nhiên, các mặt hàng sản xuất thâm dụng lao động như quần áo và giày dép than đá, khí tự nhiên hóa lỏng và vàng cũng nằm trong danh sách này.

Có ba nhóm quốc gia nổi bật trong bộ mẫu. Trung Quốc và Việt Nam đều có khả năng cạnh tranh cao và có tỷ trọng xuất khẩu những sản phẩm cạnh tranh xu hướng tương đối lớn. Trung Quốc và Việt Nam cũng là những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á trong giai đoạn này.

Nhóm quốc gia thứ hai ghi nhận các mức độ cạnh tranh khác nhau nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong năm 2018 (hơn 60%) đều cạnh tranh xu hướng theo nghĩa đây là những sản phẩm đang gia tăng tỷ trọng xuất khẩu của thế giới. Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia xuất khẩu các sản phẩm điện tử và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác, trong khi mất thị phần xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng lao động. Hàng hóa xu hướng của Indonesia không phải là mặt hàng công nghiệp chế tạo mà là than đá và dầu cọ.

Nhóm thứ ba xếp hạng thấp hơn về các chỉ số cạnh tranh, mất thị phần tại các thị trường sẵn có, ít thâm nhập các thị trường xuất khẩu hàng hóa xu hướng. Sự thiếu năng động ở Mexico, Thái Lan và Nam Phi phần nào phản ánh các điều kiện trong ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô. Công suất dư thừa toàn cầu và nhu cầu tăng trưởng chậm đã góp phần làm giảm thị phần của các ngành này trong thương mại toàn cầu. Mặc dù Braxin có ngành công nghiệp máy bay cạnh tranh xu hướng, quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng nông sản số lượng lớn và xuất khẩu kim loại.

Hai ngoại lệ trong nhóm là Singapore và Ấn Độ. Singapore ngày càng chuyên môn hóa các mặt hàng chế tạo phức tạp, khiến nước này trở thành một quốc gia xuất khẩu cạnh tranh xu hướng đặc biệt. Ấn Độ cực kỳ cạnh tranh, với 92% hàng hóa xuất khẩu của nước này chiếm thị phần từ năm 2003 đến năm 2018. Tuy nhiên, chỉ một nửa hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ thuộc loại hàng hóa cạnh tranh xu hướng, ngang bằng với Nam Phi và Braxin.

nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7%, đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%...

9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản đạt 19,54 tỷ USD, tăng 16,7%, trong đó nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%...

Khả năng cạnh tranh có quan trọng không?

Báo cáo tóm tắt chính sách này giới thiệu hai chỉ số đơn giản để đánh giá khả năng cạnh tranh. Chỉ số đầu tiên là tỷ trọng xuất khẩu của một quốc gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trong một giai đoạn nhất định. Quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh là quốc gia tăng thị phần hàng hóa xuất khẩu của mình trên troàn cầu. Chỉ số thứ hai liên quan nhiều đến xuất khẩu mặt hàng gì hơn là xuất khẩu bao nhiêu. Chúng tôi đo lường tính cạnh tranh xu hướng của một nền kinh tế theo tỷ lệ xuất khẩu của những mặt hàng quan trọng mà thị trường thế giới đang cần, tức là các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng trên toàn cầu (so với các mặt hàng khác). Đây có thể coi là chỉ số cạnh tranh tiềm năng trong tương lai.

Chúng ta đã thấy rằng, tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ và nhất quán. Do vậy, khả năng cạnh tranh cũng gắn liền với tăng trưởng. Mệnh đề này có thể được chứng minh thông qua thử nghiệm thống kê dưới đây:

Chúng tôi đã xây dựng một mô hình đơn giản để kiểm tra mối liên hệ giữa khả năng cạnh tranh (theo cả 2 nghĩa) và tăng trưởng kinh tế. Quy mô mẫu bao gồm 65 quốc gia phát triển và đang phát triển với dữ liệu trong giai đoạn từ 1995 đến 2018. Giả thuyết của nghiên cứu là: tăng trưởng GDP gắn liền với khả năng cạnh tranh bao gồm tăng thị phần xuất khẩu và cạnh tranh xu hướng- tăng xuất khẩu các mặt hàng đang nổi lên trên thị trường toàn cầu.

Như dự đoán, GDP bình quân đầu người trong giai đoạn đầu (1995) tác động nghịch chiều đáng kể lên tốc độ tăng trưởng GDP. Khả năng cạnh tranh tăng 1% như đã đề cập trong bảng báo cáo tóm tắt chính sách này tương quan với 0.36% mức tăng trưởng GDP bình quân. Tăng 1% trong tỷ trọng xuất khẩu quốc gia bao gồm mặt hàng chủ đạo và mặt hàng xu hướng tương quan với mức tăng GDP 0.44%. Mối quan hệ này được thể hiện trong Hình 4, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hàng xuất khẩu quốc gia chiếm thị phần toàn cầu (trục x) và tăng trưởng GDP bình quân (trục y).

Có một số bằng chứng cho thấy tăng trưởng nhanh về xuất khẩu không chỉ tốt cho tăng trưởng nói chung mà còn liên quan đến giảm mức độ bất bình đẳng về thu nhập tại các quốc gia đang phát triển. Hình 5 trình bày mối liên hệ giữa bất bình đẳng thu nhập, được đo bằng tỷ lệ Palma và mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình trong giai đoạn 1995 đến 2018 của 50 quốc gia đang phát triển. Mối quan hệ này còn chưa nhất quán: một số quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng tương đối bất bình đẳng trong khi một số quốc gia khác có mức độ bất bình đẳng thấp nhưng ngành xuất khẩu lại không thành công. Cần lưu ý khi sử dụng dữ liệu về bất bình đẳng vì định nghĩa và phương pháp khảo sát khác nhau rõ rệt giữa các quốc gia làm giảm độ chính xác khi so sánh quốc tế.

Việc làm là cơ chế liên kết giữa tăng trưởng xuất khẩu và bình đẳng. Một số mặt hàng xuất khẩu tạo ra nhiều việc làm hơn những mặt hàng khác, cụ thể là tạo ra nhiều việc làm có mức thu nhập ổn định và bền vững. Sản xuất thâm dụng lao động, nông nghiệp và một số dịch vụ (ví dụ: du lịch, vận tải và hậu cần) có xu hướng tạo ra nhiều việc làm hơn ngành khai khoáng và khoan dầu. Ngay cả những quốc gia tạo ra nhiều việc làm mới cũng có thể phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng gia tăng nếu người lao động không có khả năng thương lượng để yêu cầu nhà tuyển dụng phải trả mức lương sinh hoạt tối thiểu.

Cần nghiên cứu thêm mối quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và bất bình đẳng kinh tế. Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, cần lưu ý rằng, sự bùng nổ số lượng việc làm trả lương đã giúp tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, giúp đất nước duy trì tình trạng bất bình đẳng ở mức khiêm tốn. Xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng, đặc biệt tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Với mỗi quốc gia, xuất khẩu là quan trọng, và xuất khẩu mặt hàng gì cũng quan trọng không kém. Hội nhập quốc tế là động lực nhất quán thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, nâng cao tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận, tăng cường khả năng chống chịu và an ninh quốc gia. Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa, nỗ lực hướng tới tăng thị phần toàn cầu trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp nội địa sản xuất, đồng thời thâm nhập các thị trường mới mà thế giới đang cần, bao gồm nhưng không giới hạn đối với hàng hóa sản xuất có công nghệ cao hoặc phức tạp. Nhiều mặt hàng nông nghiệp, hàng hóa sản xuất truyền thống và dịch vụ như du lịch và vận tải là những mặt hàng xuất khẩu xu hướng.

Đối mặt với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và cam kết gần đây của chính phủ về chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, những chính sách này vẫn còn phù hợp. Nhu cầu cải thiện điều phối giữa thương mại, phát triển doanh nghiệp và chính sách phát triển kinh tế trở nên cấp thiết trong bối cảnh phát triển hiện tại. Trong những năm tới, việc tiếp cận thị trường toàn cầu và tham gia các hiệp định thương mại sẽ ngày càng gắn liền với việc thực hiện các tiêu chuẩn bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo và vật liệu không gây ô nhiễm trong sản xuất. Các chính sách của chính phủ cũng cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong các ngành công nghiệp bền vững, bao gồm năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Nhiều bằng chứng cho thấy sự xuất hiện trở lại của tình trạng phân mảnh trong sản xuất từng phổ biến trong những năm 1990 và đạt đỉnh trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sản xuất vẫn mang tính toàn cầu, nhưng chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt là những hạn chế thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ phức tạp về công nghệ đã giảm bớt công đoạn trong sản xuất và rút ngắn khoảng cách địa lý của các yếu tố đầu vào.

Các chuỗi giá trị ngắn hơn và sự dịch chuyển từ tìm kiếm nguồn cung ứng toàn cầu sang tìm kiếm nguồn cung nội địa sẽ mang đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Nếu việc sản xuất các linh kiện công nghệ cao như chất bán dẫn được chuyển sang Mỹ và các nước tiên tiến khác, Việt Nam có thể mất một số nhà đầu tư nước ngoài và thị trường nước ngoài trong các ngành này.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế như: chi phí sản xuất, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, chính trị ổn định và thị trường nội địa đang phát triển. Tận dụng những lợi thế này, đồng thời khuyến khích sản xuất các sản phẩm và linh kiện có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cấp năng lực công nghệ và chất lượng lực lượng lao động, đồng thời hoàn thành quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến đầu tư khác.

Về lâu dài, Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh xuất khẩu một số mặt hàng nhạy cảm về giá, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động. Chúng ta nên chuẩn bị cho việc thay đổi lợi thế cạnh tranh quốc gia này từ bây giờ. Theo kinh nghiệm của các quốc gia có nền kinh tế thành công ở Đông Á, xây dựng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đóng vai trò rất quan trọng, tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các công ty nước ngoài để tăng năng suất và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế có thể tạo ra các lỗ hổng như bài học của một số quốc gia ASEAN. Duy trì tốc độ tạo việc làm mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực có thể đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất nhanh chóng, sẽ rất quan trọng.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành nông nghiệp kiên định mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD

    20:36, 29/09/2023

  • Nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 38 tỷ USD

    01:00, 29/09/2023

  • Xuất khẩu lao động không chỉ để “xóa đói giảm nghèo”

    18:49, 27/09/2023

  • Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Hải Dương lao đao

    02:35, 23/09/2023

  • Thiếu vốn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn khó khăn trong quá trình phục hồi

    16:00, 22/09/2023

  • Năm 2023, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 40 tỷ USD

    14:01, 21/09/2023

  • Xuất khẩu gỗ Việt Nam có thực sự đang phục hồi?

    10:43, 21/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năng lực cạnh tranh xuất khẩu và sự phát triển của thương mại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO