Năng lực doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp

Huyền Trang 19/12/2018 09:56

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hội nghị được tổ chức sáng nay (19/12) tại Hà Nội.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cả nhà quản lý và các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Công nghiệp hỗ trợ cần “cú hích” từ chính sách

    06:30, 19/12/2018

  • Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

    16:00, 18/12/2018

  • Sẽ có tổ hợp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Hàn Quốc tại Hà Nội

    01:36, 16/12/2018

Còn nhiều hạn chế về quy mô và năng lực

Đáng nói, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện tại, năng lực doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn rất thấp.

“Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da dày nhưng các doanh nghiệp Việt Nam công nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu ở trong nước” - ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thêm vào đó, theo ông Tuấn Anh cho hay, năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế.

“Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Khoảng cách giữa yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực. Khu vực dệt may và da giày mới phát triển khá ở sản xuất phụ kiện, còn sản xuất vải, xơ sợi, da thuộc...đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện”, ông Tuấn Anh nói.

Hạn chế từ chính sách

Trong hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Điển hình như Nghị định số 111 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định 68 năm 2017 của Thủ tướng về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 - 2025…

Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn một số vấn đề bất cập, tồn tại, vướng mắc mà các quy định hiện hành của pháp luật chưa thể giải quyết để tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn Anh nói: “Chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam” .

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn chưa được hình thành.

“Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản qui phạm pháp luật nào”, ông Tuấn Anh nói.

Thêm vào đó, theo ông Trần Tuấn Anh, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, nhưng chịu sự điều chỉnh của các Luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu…). Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn gặp nhiều vướng mắc như chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa qua hệ thống ngân hàng phát triển, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghiệp hỗ trợ. Các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa… Việc thiếu các cơ chế này khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi. Bên cạnh đó, công tác thực thi chính sách về công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế chưa tạo ra các chế tài chặt chẽ buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai.

Giải pháp nào?

Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Trần Tuấn Anh Việt Nam vẫn tiếp tục cần các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để mở rộng qui mô nền kinh tế nhằm tạo ra thêm việc làm và tận dụng sự lan tỏa trình độ quản lý và công nghệ. Nếu công nghiệp hỗ trợ kém phát triển thì sẽ hạn chế việc thu hút FDI, cũng như giữ chân các doanh nghiệp FDI ở lại Việt Nam trong dài hạn.

Việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15 % GDP so với mức trên 20% của phần lớn các quốc gia trong ASEAN, Campuchia 22%, Thái Lan 26%, Hàn Quốc 28% , Trung Quốc 36%.

Vì vậy, ông Tuấn Anh cho rằng, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong phát triển kinh tế đất nước là xây dựng nội lực đất nước, đảm bảo tự cường dân tộc

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năng lực doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO