Năng lượng tái tạo chưa thể thay thế năng lượng truyền thống, nên Việt Nam vẫn cần phát triển điện than, điện khí. Đồng thời, đẩy mạnh tiết kiệm điện để giảm bớt áp lực đầu tư nguồn điện mới...
Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển mạnh điện mặt trời sẽ là giải pháp để giảm bớt nỗi lo thiếu hụt nguồn điện trong thời gian tới. Thực tế, theo các chuyên gia, điện mặt trời chỉ đáp ứng được phần nhu cầu rất nhỏ trong tổng nhu cầu điện toàn quốc.
Điện mặt trời chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tổng sản lượng điện thương phẩm của năm 2019 dự kiến là 212 tỷ kWh. Như vậy, tính bình quân, cả nước cần khoảng 750 triệu kWh mỗi ngày. Trong khi đó, ngày cao điểm nhất gần đây (21/8), sản lượng điện mặt trời chỉ đạt 27 triệu kWh, phần sản lượng còn lại vẫn là các nguồn điện truyền thống như điện than, điện khí, thuỷ điện…
Nguồn năng lượng tái tạo góp phần quan trọng trong việc đảm bảo điện nói chung, nhưng việc phát triển nguồn điện truyền thống ở Việt Nam vẫn cần phải được quan tâm tính toán kĩ lưỡng. Điện mặt trời chỉ phát công suất được khoảng 6 tiếng vào ban ngày; trong 18 tiếng còn lại, hệ thống điện vẫn phải huy động các nguồn năng lượng truyền thống.
Đó là chưa kể, các dự án điện mặt trời phát triển vượt quy hoạch cũng sẽ khiến việc giải tỏa công suất cho các dự án này rất khó khăn. Xây dựng 1 nhà máy điện mặt trời chỉ cần khoảng 6-10 tháng, nhưng một đường dây truyền tải 500 kV cần tới 3-5 năm, đường dây 110 kV khoảng 1 năm.
Đẩy mạnh tiết kiệm điện
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ là câu chuyện riêng của Bộ Công Thương hay EVN mà cần xem xét cả phía người sử dụng điện. EVN đang phải “độc hành”, gồng mình để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện 10% hàng năm, trong khi việc tích hợp hiệu quả năng lượng chưa được các chủ đầu tư chú trọng. Trên thực tế, hiện nay, nhiều tòa nhà cao tầng đang lãng phí từ 20-40% năng lượng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục lấy ví dụ, ở Anh, từ năm 2016, các tòa nhà cao tầng chỉ được cung cấp một mức năng lượng cụ thể, còn lại các tòa nhà buộc phải có giải pháp tự sản xuất điện, nước để sử dụng. Việt Nam cần có giải pháp tổng thể về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức tăng trưởng điện 10% như hiện nay.
Bà Ngô Tố Nhiên - Thành viên Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, việc tiết kiệm năng lượng đã được Chính phủ Việt Nam chú trọng, hệ thống văn bản pháp luật, quy định đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên việc thực thi chưa được chú trọng.
Bộ Công Thương ban hành Khung giá bán buôn điện năm 2019 Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2617/QĐ-BCT, quy định về khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các tổng công ty điện lực năm 2019 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo quyết định này, khung giá bán buôn điện của EVN cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tối đa là 1.348 đồng/kWh và tối thiểu là 1.281 đồng/kWh, đối với Tổng Công ty Điện lực miền Nam là 1.535 đồng/kWh và 1.494 đồng/kWh, Tổng Công ty Điện lực miền Trung là 1.385 đồng/kWh và 1.284 đồng/kWh, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội là 1.634 đồng/kWh và 1.549 đồng/kWh, Tổng Công ty Điện lực TP HCM là 1.790 đồng/kWh và 1.723 đồng/kWh. Căn cứ vào khung giá bán buôn điện bình quân quy định này, giá bán buôn điện bình quân của EVN cho các tổng công ty điện lực không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện bình quân phù hợp với biến động chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí mua điện từ thị trường điện, doanh thu và lợi nhuận định mức của các tổng công ty điện lực, EVN có trách nhiệm tính toán, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, quyết định. Thời gian áp dụng khung giá này từ ngày 1/1-31/12/2019. h.o |